Người xưa đã định một khuôn mẫu đàn ông, lý tưởng phải là một trang "nam nhi chi chí" hảo hán anh hùng "râu hùm, hàm én, mày ngài", nếu không thì cũng phải "đề huề lưng túi gió trăng" văn khuân nho nhã.
Còn ngày nay, con người có nhiều tự do hơn để lựa chọn một cách sống thích hợp hơn với thực tế tâm sinh lý riêng của họ.
Nền văn minh ngày càng phát triển đã giúp con người tự giải phóng khỏi những ức chế tinh thần bởi những áp ực vô hình của các hệ thống đạo lý, tập quán văn hoá xưa cũ. Họ sống phóng khoáng hơn, sẵn sàng bộc lộ cá tính giữa chốn đông người.
Do đó, hình ảnh người đàn ông ngày nay đã được thay đổi và càng thay đổi hơn khi có sự tác động rất lớn của ngành kinh doanh mỹ phẩm và thời trang dành cho nam giới thông qua các phương tiện thông tin đại chúng mà kỹ nghệ quảng cáo đã khuynh loát.
Chuẩn mực về cái đẹp của đàn ông thời bây giờ đã rất khác, nhất là về mặt ngoại hình. Thời tôn sùng vẻ đẹp khoẻ khoắn, góc cạnh, cứng cáp của đàn ông theo kiểu "bụi" như James Dean, Charle Branchon, Robert de Niro...
Các chàng trai của chúng ta thời @ là phải ăn mặc thứ thời trang "bóng bảy" của Versace, D&G, Caravelli, cũng phải "mặt hoa da phấn", phải đi xâu lỗ tai, nhuộm hiht-light, làm "facial", xài những mùi hương sành điệu nồng nàn.
Những khuôn mặt đàn ông được cho là đẹp bây giờ là những khôn mặt baby kiểu búng ra sữa phúng phính dễ thương như kiểu của tài tử Hàn Quốc, Hong Kong. Mà để có cũng như giữ được vẻ đẹp "mong manh" đó thì cánh mày râu đã phải tiêu tốn vào đó khá nhiều thời gian và tiền bạc.
Việc chú ý chăm sóc bản thân về ngoại hình là một tiến bộ đáng kể trong đời sống văn minh hiện đại. Tuy nhiên, ngoại hình không phải là điểm chính yếu để khẳng định: "Bản lĩnh đàn ông đích thực" như nhiều người lầm tưởng.
Chữ đàn ông theo đúng nghĩa của nó không chỉ đơn thuần mang yếu tố phân biệt giới tính ở mức bản năng, mà nó còn được gửi gắm trong đó rất nhiều kỳ vọng có tính khuôn mẫu về nhân cách.
Chữ đàn ông luôn cho ta một cảm giác về sự vững chãi, mạnh mẽ và khoáng đạt, nó đem lại cảm giác tin cậy và an bình. Nhất là trong suy nghĩ của phụ nữ, chữ đàn ông rất gần với chữ anh hùng.
Tuy nhiên, có không nhiều người đàn ông tạo được trong người đối diện của mình, nhất là trong cách cư xử của các bạn trẻ. "Đàn ông bây giờ khó chịu, tủn mủn như một bà cô nhưng lại trẻ con, yếu đuối và chẳng còn chút lãng mạn dễ thương nào. Yêu thì vẫn phải yêu đấy nhưng mà nhiều khi thấy hết sức bực mình", một cô gái từng trải qua một số mối tình đã thẳng thừng nói như thế.
Đàn ông luôn được coi là phái mạnh, là chỗ dựa vững chãi cho người phụ nữ và gia đình sau này. Thế nên cái chất đàn ông như: Mạnh mẽ, giản dị, phong trần hoặc hào hoa, phong nhã... từ nhiều thế kỷ trước những lớp đàn ông Việt Nam đã thể hiện và trở thành những mục tiêu đáng chọn lựa nhất của phụ nữ Việt.
Mặt khác, việc tận hưởng những giá trị vật chất mà đời sống hiện đại đem lại là hoàn toàn hợp lý, nhưng cái gì cũng có giới hạn của nó. Đừng đánh mất cái chất đàn ông chỉ vì những cám dỗ của "mốt", trừ phi bạn có sự khác khác biệt giới tính nội tại.
Cái đẹp của một người đàn ông đích thực, dù có ở thời nào đi nữa cũng là vẻ đẹp toát ra từ những giá trị bên trong, từ sức mạnh của văn hoá và nội lực. Những người đàn này sẽ luôn nằm trong tầm ngắm của những người phụ nữ có tâm hồn.
Nói tóm lại, cánh đàn ông làm gì thì làm, chứ đừng để cho chị em phụ nữ than lên một câu "Đàn ông ngày càng... bớt đàn ông" thì nghe dễ tự ái và dễ xa nhau quá!.
(Theo Thể Thao Văn Hóa Đàn Ông)