- Tại sao tên vở lần này trùng với tên vở múa đầu tiên chị dựng khi mới về Việt Nam?
- Có một chủ đề chung là hồi ức về chiến tranh. Nhưng lần này hồi ức đó không phải của những người từng trải qua và chứng kiến mà là của những người trẻ tuổi chưa biết đến chiến tranh là gì. Họ chỉ nghe kể và cảm nhận chiến tranh theo cách của họ.
- Điều gì thôi thúc chị viết chiến tranh một lần nữa?
- Sự kiện ngày 11/9, ngày thế giới thay đổi. Thực ra nó thay đổi từ trước đó nhưng ngày hôm ấy là một cái mốc. Không chỉ mình tôi nhận thấy có những thế lực muốn điều khiển nhân loại theo ý muốn của mình.
Biên đạo múa Ea Sola Thuỷ. |
- So với các vở trước, tâm trạng của chị lúc dựng vở mới này như thế nào?
- "Người tình cuối là người tình ta thích nhất". Vở nào của tôi cũng phải khác đi. Nhưng lần nào tôi cũng cảm thấy "đây là vở mình thích nhất".
- Vở diễn của chị không có cốt truyện, các diễn viên gặp những khó khăn gì?
- Có nhiều lúc họ không biết mình đang ở đâu, sắp làm việc gì. Tôi cũng thay đổi liên tục ý đồ và cách sắp xếp, công việc tưởng như rơi vào ngõ cụt. Không cốt truyện, không xây dựng nhân vật, tôi chỉ hướng dẫn và thuyết phục họ bằng ngôn ngữ múa thể hiện chính bản thân mình tới cùng. Xảy ra không ít va chạm nhưng nhờ thế mà chúng tôi tìm ra lối đi.
- Lần này, diễn viên và phục trang rất trẻ trung, hiện đại, khác hẳn với những tác phẩm trước đó của chị. Chị muốn gửi gắm điều gì?
- Cái gì cũng cần phải có thời gian, mình không thể ép mọi người tiếp nhận một cách đồng đều được. Lần này, tôi muốn thử sức một vấn đề khác những lần trước. Vở này rất "hôm nay", nói đến "một cơ thể mới" và nó cần phải có diễn viên như thế, trang phục và tiết tấu như thế.
- Tiết tấu dữ dội luôn lấn át trong các vở múa của chị, có lúc tưởng như quá sức chịu đựng thành ra có cảm giác khan hiếm vẻ lãng mạn. Chị nghĩ sao?
- Cũng tuỳ cách cảm nhận của mỗi người. Tôi cho rằng nghệ thuật là một cái gì đó chứ không phải là cuộc sống. Đời sống cần cụ thể, có giới hạn, còn nghệ thuật không biên giới, là sự tưởng tượng bất tận. Bản thân điều đó là lãng mạn rồi.
- Lao vào công việc như vậy, chị còn thời gian nào dành để chăm sóc bản thân?
- Tôi muốn đi đến tận cùng của một quá trình. Tôi dẹp những việc mình từng thích để tập trung vào công việc. Tôi không còn lúc nào để làm đẹp và trang điểm. Mặc kệ. Khi đi mua sắm thấy đôi dép vừa, đẹp là tôi mua liền 3 đôi để sau đó đỡ phải tìm. Tôi sắm 10 cái quần màu đen, mười mấy cái áo sơ màu giống nhau cho khỏi phải cân nhắc phối màu trước khi mặc. Tôi phải chắt chiu thời gian và sức lực để làm việc.
- Năng lượng và động lực làm việc cho vở mới không thể chỉ do lý trí. Có ai đó hay niềm tin nào đó khiến chị thăng hoa hơn?
- 5 năm nay, tôi không dựng vở, trở lại với sân khấu tôi thất vui và cởi mở hơn. Làm việc với từng diễn viên múa Nhà hát Nhạc Vũ kịch, tôi thấy gần gũi và quý mến họ. Với tôi thế là nhiều bởi vì ít ai hiểu được người múa. Khi cần phải quan tâm thật sự đến những điều nằm trong cơ thể mình, mới biết rằng cơ thể mang đầy bí mật. Lại càng bí ẩn khi có người trở thành "người muốn múa", muốn nói lên "một thứ ngôn ngữ không thể chép lại". Tôi thấy quá đẹp, trong mắt tôi điều này vô cùng kỳ diệu, đủ để thăng hoa.
- Chị hay nói chị là người khắt khe với bản thân mình. Vậy "gót chân Asin" của chị là gì?
- Sự yếu đuối của tôi rõ rệt vì tình cảm.
- Người yếu đuối cũng là người rất nữ tính. Chị nghĩ sao về ý kiến này?
- Theo tôi, nữ tính và yếu đuối là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Chúng ta có thể yếu đuối bởi bao điều trái ngược lẫn nhau. Còn nữ tính với tôi không chỉ dành cho phụ nữ. Có thể nói một cách đơn giản, đó là một loại nhạy cảm mà người nghệ sĩ không thể thiếu, xã hội cũng luôn cần đến nó.
- Tính cách nào riêng biệt ở phụ nữ Việt Nam mà chị thấy thích?
- Tính tình vui vẻ của người phụ nữ Việt nói chung làm tôi cảm động.
- Vậy còn người Việt nói chung thì sao?
- Điều làm tôi dễ chịu là sự giản dị của người Việt mình. Còn điều làm tôi khó chịu là sự không khiêm tốn thái quá của họ.
(Theo Người Đẹp)