Những ngày này, thời tiết Sài thành ẩm ương, đặc biệt hay mưa buổi chiều dễ khiến bạn thèm thứ gì đó ấm nóng. Vì thế cháo vịt là gợi ý không tồi. Ngay trung tâm thành phố, loạt hàng cháo vịt lâu đời đã quá quen thuộc với nhiều người. Còn nếu chạy về phía quận 9, đoạn giữa đường Nguyễn Duy Trinh có một quán cháo được lòng khá nhiều thực khách dù không có tên.
Quán ngay ngã tư đèn đỏ nên dễ tìm, chủ yếu bán các món chế biến từ thịt vịt. Nhờ nằm ngay trục đường tấp nập xe cộ nên giờ cơm mỗi ngày quán khá đông khách. Đây cũng là địa chỉ tụ tập ưa thích của cánh đàn ông vào buổi chiều bởi thịt vịt chấm mắm gừng là món nhắm lý tưởng. Không gian trong nhà rộng rãi, thoáng, chỗ ngồi là bàn ghế nhựa thoải mái.
Không phải gỏi vịt mà tô cháo gạo rang mới là thứ chiếm trọn cảm tình của thực khách. Chủ quán nấu cháo kiểu miền Nam, rang sơ gạo trước khi nấu nên hạt gạo rời. Cháo không dẻo nhưng ăn mềm và thơm. Cháo nấu loãng, nêm nếm vừa miệng, ăn kèm miếng huyết vịt, một tí hành lá, hành phi, giá chần và rắc thêm chút tiêu cho ấm bụng.
Bên cạnh cháo thì bún măng cũng được không ít người lựa chọn nhờ dễ ăn. Bún sợi nhỏ. Nước lèo nấu từ nước luộc vịt, mỡ vịt cho độ béo vừa phải, ăn kèm măng có vị hơi chua nên không bị ngấy. Sợi măng nhai sần sật vui miệng. Nếu muốn ăn nhiều măng, bạn hãy dặn trước chủ quán.
Đa phần thực khách đến quán gọi cháo hoặc bún măng vịt riêng, rồi gọi thêm một đĩa gỏi vịt ăn cho đã. Thịt vịt luộc không nhiều mỡ và da, ăn không bị ngán. Phần thịt nạc không bị bỡ, sắp đều lên phần gỏi bắp cải bào mỏng trộn chua ngọt với cà rốt, rau răm. Hành phi và đậu phộng rang làm món ăn thêm vị bùi. Khi ăn, bạn trộn đều đĩa gỏi, gắp miếng thịt chấm nước mắm gừng cay the hoặc rưới nước mắm vào đĩa gỏi cho vị đậm đà rồi thưởng thức. Thông thường, hai người tốn khoảng 100.000 đồng cho hai phần bún hoặc cháo kèm đĩa gỏi là no nê.
Bài và ảnh Vi Yến