Cá lóc đồng tươi ngọt, được ninh nhừ trong cháo, kết hợp với rau đắng có vị thanh mát, hơi nhân nhẫn đặc trưng, tạo nên hương vị bình dị mà khó quên.
Nguyên liệu:
- 400 gr cá lóc đồng
- 100 gr gạo tể
- 50 gr gạo nếp
- 200 gr nấm rơm
- 100 gr rau đắng
- 1 trái bầu non
- Gừng, hành tím, hành lá
- Gia vị: muối, nước mắm, tiêu, dầu ăn
Cách làm:
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Cá lóc mua về làm thật sạch, xát với muối và gừng để cá hết tanh, lọc phi lê rồi thái miếng vừa ăn hoặc cắt khúc tùy sở thích. Phần đầu và xương để riêng
- Gạo nếp lẫn tẻ vo sạch để ráo. Bắc chảo lên bếp đun nóng, cho gạo vào rang sơ 4-5 phút đến khi gạo thơm và xém vàng
- Nấm rơm ngâm nước muối loãng 15 phút, rửa sạch để ráo, bổ đôi nếu nấm to
- Rau đắng loại bỏ phần già, úa, rửa sạch, vẩy ráo
- Bầu non cắt khoanh dầy cỡ 1cm, thái miếng con chì
- Hành tím thái mỏng, hành lá thái nhỏ
Bước 2: Chế biến
- Ướp phần phi lê cá với một chút tiêu, nước mắm, hạt nêm và nước cốt gừng khoảng 15 phút cho ngấm. Bắc chảo lên bếp đun nóng 2 thìa canh dầu ăn và phi thơm hành tím, cho phi lê cá vào chiên sơ cho cá săn lại
- Đun một nồi nước sôi, cho phần đầu và xương cá cùng chút gừng đập dập đun liu riu khoảng 30 phút để lấy nước ngọt. Vớt phần đầu cá ra bát, lọc lại nước dùng cho hết xương. Cho gạo đã rang vào ninh nhỏ lửa 30-40 phút cho cháo chín nhừ
- Khi cá gần chín, cho phần thịt phi lê đã xào và nấm rơm đun cùng tầm 5 phút, nêm nếm lại gia vị cho vừa, thêm một chút nước mắm ngon cho dậy vị.
Bước 3: Thưởng thức
Chuẩn bị tô bày sẵn bầu non và rau đắng phía dưới, múc cháo nóng hổi lên trên, rắc thêm chút tiêu, hành lá và thưởng thức. Bạn cũng có thể để cháo trên bếp đun liu riu cho nóng, khi ăn nhúng rau và bầu non vào cho chín tái cũng rất ngon miệng.
Thành phẩm:
Vào những ngày mưa lạnh, không gì ấm áp và thơm ngon hơn một tô cháo cá lóc rau đắng. Vị ngọt tự nhiên từ cá lóc tươi, hòa quyện cùng sự thanh mát nhẹ nhàng của rau đắng, tạo nên hương vị đặc trưng, dễ chịu. Cháo ninh mềm, đậm đà, không chỉ làm ấm lòng mà còn là món ăn bổ dưỡng. Món ăn mang đậm chất miền quê, gợi nhớ đến khung cảnh đồng quê mênh mông và con người chân chất, hiếu khách của vùng đất Nam Bộ.
Lê Nguyên