Thái độ phục vụ cũng quan trọng như chất lượng hàng bán. |
Tại Hà Nội, nhiều người biết phở gia truyền trên phố B.Đ. rất ngon nhưng thái độ của từ chủ quán đến những người phục vụ thì thật khó chịu: khinh khỉnh, nhạt nhẽo, sẵn sàng sửng cồ với khách hàng.
Một địa chỉ ẩm thực khác là món bún ngan (vỉa hè) khá ngon trên phố H.B.T.. Họa vô đơn chí! Vừa cất lời xin tý chanh ớt, bị cô bán hàng xỉa xói cho vài câu thì công an đến, thế là chủ tớ gồng gánh chạy tán loạn, vừa chạy vừa chửi bới nhau ầm ĩ, để lại mấy thực khách lơ ngơ trên hè phố với những bát bún ngan chưa kịp động đũa. Hết chạy công an, rút tiền trả cho chủ hàng để thoát thân rồi mà tôi vẫn ám ảnh mãi về thái độ dửng dưng của người thu tiền.
Trên phố H.D. cũng có một quán bia hơi rất đông khách. Thực khách đến đây dĩ nhiên toàn là dân nghiền bia hơi. Đặc điểm của quán này là không bán kèm nhiều thức ăn cho khách. Đâu có sao? Khách đến chỉ để thưởng thức hương vị của bia Hà Nội chuẩn, không bị pha phách bởi bia cỏ và các loại bia "giời đánh" nào khác. Có lẽ vì cái sự thật đó mà mặc thái độ phục vụ rất "ông kễnh" của đội quân phục vụ, mặc những lời chửi rủa ầm ĩ của chủ quán... khách vẫn kéo đến ùn ùn, kể cả vào giữa giờ hành chính...
Chứng kiến những chuyện tương tự như trên, người ta đặt câu hỏi: "Cái cung cách nhẹ nhàng, thanh lịch của người Tràng An đâu rồi?". Thời nay, kinh tế khấm khá lên nhiều, chuyện ăn uống đã được nâng lên thành văn hóa ẩm thực. Các thượng đế đòi hỏi được ăn ngon, tinh tế và được tôn trọng trong thái độ phục vụ... Vì sao những quán bán hàng, phục vụ ăn uống không cần biết đến văn hóa thương mại, cứ chửi thốc vào mặt khách mà vẫn có đất sống?
Lý giải cho hiện tượng này, có người cho rằng, những chủ quán và người phục vụ ở những địa chỉ kinh doanh, dịch vụ kể trên có "mồm chó, vó ngựa" thật nhưng họ lại là những người "thật" nhất, không hoa hòe hoa sói để lừa dối, móc túi khách hàng. Có người còn nói đùa rằng, đến những quán ăn này, nếu không được nghe chửi thì ăn cũng mất ngon... Thậm chí, một số người khi rủ nhau đi ăn, chỉ cần hỏi nhẹ "đi ăn cháo (hay bún) chửi không?". Thế là hiểu ý nhau.
Tuy nhiên, về góc độ văn hóa ứng xử giữa người với người, nếu khách hàng không tự biết tôn trọng chính mình thì làm sao có được sự tôn trọng của người khác. Còn về góc độ xây dựng văn hóa thương mại, nếu chỉ quan tâm đến những người làm công việc kinh doanh, phục vụ thì rõ ràng là thiếu hẳn một vế. Hai bàn tay mới làm nên tiếng vỗ tay là vậy.
(Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp)