Trong bức thư gửi về cho ban tổ chức một cuộc thi giúp thay đổi diện mạo, Nguyễn Duy Phương khiến các giám khảo xúc động khi kể lại những khốn khó, tủi thân trong quá trình chạy xe ôm mưu sinh. Anh tâm sự nhiều lần bị gọi là "thằng mặt lưỡi cày", "mặt quỷ"... bị đe dọa vì ngoại hình xấu xí. "Tôi từng nghĩ cả đời này chẳng ai đứng về phía mình vì dị dạng", anh nói.
Duy Phương quê ở Ninh Thuận, năm nay 27 tuổi. Công việc thủ thư lương không đủ ăn nên anh chạy thêm xe ôm mưu sinh. Nhà ở quê rất nghèo, anh chưa từng hưởng trọn vẹn niềm vui. Từ nhỏ, Duy Phương đã chứng kiến cảnh ba đau ốm, quanh năm suốt tháng nằm trên giường bệnh. Những cơn đau giày vò ông mỗi đêm, mất hẳn khả năng lao động. Vì thế, gánh nặng áo cơm đổ dồn lên vai mẹ.
"Mẹ tôi cả đời lam lũ, tất bật lo cơm nước cho chồng con mỗi sáng là chạy ngay ra tiệm lấy vài trăm tờ vé số về bán. Cứ bán được một lát, mẹ lại chạy về nhà để lo thuốc thang cho ba, sợ ông bị ngã hay đột quỵ bất ngờ. Tôi chưa từng nhìn thấy mẹ mua cho mình chiếc áo mới hay có một đêm ngon giấc, thay vào đó là hình ảnh người phụ nữ gầy gò, da sạm đen vì rám nắng, tóc bạc trắng vì gánh nặng mưu sinh còn đôi dép lê mòn đế vì đi bộ quá nhiều", Duy Phương kể.
Căn nhà ba người quanh năm ăn cháo qua bữa, may mắn lắm mới có miếng cá, quả trứng... Duy Phương thương ba mẹ nhưng còn quá nhỏ. Anh chỉ ước học thật giỏi, sau này lớn lên đi làm kiếm tiền đỡ đần gia đình. Tuy nhiên, càng lớn, anh càng lầm lũi, khép kín vì ý thức ngoại hình của mình "quái gở". Anh không thể ăn uống, phát âm rõ lời và khép miệng như người bình thường. Cằm dài, to và lệch trục khiến khuôn mặt mất cân đối.
Suốt thời thơ ấu, anh bị bạn bè xua đuổi, xa lánh và thường bị gắn với biệt danh "Phương mặt quỷ", "mặt lưỡi cày", "thằng móm xấu xí"... Đám trẻ cười nhạo anh nói ngọng, nói gì không ai hiểu. Nhiều năm, anh không dám ngẩng mặt nhìn ai, ít giao tiếp và không có một người bạn thân. Tủi thân phận và ngoại hình khiếm khuyết, anh dồn hết tâm huyết vào học tập, rồi may mắn thi đỗ ngành Quản lý thư viện của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, TP HCM.
Nhờ vay vốn Nhà nước, Duy Phương mới có tiền đóng học phí, còn lại phải tự xoay sở tiền trang trải cuộc sống, mua sách vở... vì mẹ lo cho ba đau bệnh. Chàng sinh viên trẻ làm đủ mọi nghề trong 4 năm đại học, từ rửa chén, phục vụ nhà hàng, trồng cây xanh, bốc vác... Anh nói: "Vì gương mặt xấu xí, tôi chỉ có thể làm những công việc này".
Sau tốt nghiệp đại học, các nhà tuyển dụng đều từ chối anh, vì thế Phương liều mình đăng ký học Thạc sĩ để mong bằng cấp sẽ xóa tan rào cản ngoại hình. Sau tốt nghiệp, anh được một thư viện nhỏ nhận làm thủ thư, nhưng thu nhập ít ỏi, anh chạy xe ôm để có thêm đồng ra vào.
Phương kể ngoại hình xấu xí khó gây thiện cảm với nhiều đối diện, khiến anh nhiều lần gặp tình huống khó xử, tủi thân. Đôi khi chỉ đứng trên vỉa hè chờ khách, anh bị miệt thì là "thằng xe ôm mặt lưỡi cày", "đứa dị dạng" và bị đuổi ra chỗ khác đứng. Để tránh rắc rối, anh nhiều lần cúi đầu bỏ đi.
"Nghề xe ôm giúp tôi duy trì lý tưởng sống, theo đuổi ước mơ tìm được công việc tốt hơn, có thu nhập ổn định để có thể đỡ đần ba mẹ. Nhưng tôi cũng gặp không ít thách thức vì đôi khi khách nghĩ tôi là người xấu, không đáng tin. Để tiếp tục chạy xe ôm, tôi phải bịt kín mặt, che đi cằm dài, hàm lệch lạc", anh kể.
Phương tâm sự mơ ước lớn nhất là có thể khắc phục ngoại hình khiếm khuyết, được sống như một người bình thường, để không còn bị gắn chặt với biệt danh "Phương lưỡi cày", "Phương mặt quỷ".
* Video dựng lại theo câu chuyện của Duy Phương