Loy Krathong và Yee Peng lantern diễn ra vào tháng 11 hằng năm ở Chiangmai (Thái Lan) là một trong những lễ hội hoành tráng nhất xứ chùa vàng. Những ngày này, hàng nghìn du khách thập phương đổ về thành phố phía bắc Thái Lan khiến giá phòng, vé máy bay tăng đột biến. Vì vậy, nếu sang năm bạn dự định tới đây thì cần lên kế hoạch từ sớm. Tâm Vũ, người vừa tham gia lễ hội năm nay, đã chia sẻ vài bí kíp để bạn có chuyến đi suôn sẻ và vui vẻ.
Chỗ ở và vé máy bay
Có nhiều lựa chọn để đến Chiangmai, nhưng muốn săn được giá rẻ thì hầu hết bạn phải quá cảnh ở Bangkok. Nếu mua vé sớm, bạn chỉ tốn cỡ 38 USD/khứ hồi (tầm 880.000 đồng) cho chặng Bangkok - Chiangmai, còn cận ngày thì giá có thể đội lên hơn gấp đôi. Hoặc nếu rủng rỉnh túi tiền thì bạn mua vé bay thẳng từ Việt Nam, dĩ nhiên giá sẽ cao hơn. Ngoài ra, xe buýt, tàu hỏa là phương tiện dành cho du khách dư giả thời gian (thời gian di chuyển khoảng 11 tiếng đồng hồ).
Tâm có thói quen dùng Couch Surfing (trang web dành cho những người du lịch bụi, kết bạn, ngủ nhờ miễn phí tại nhà người bản địa) khi đi du lịch, nhưng vẫn đặt phòng khách sạn dự phòng trường hợp bất trắc xảy ra (tốt nhất là nên chọn phòng có thể hủy vào phút chót). Vì không biết tiếng Thái nên anh chọn host (chủ nhà) biết tiếng Anh hoặc dân Âu - Mỹ sống tại Thái để tiện giao tiếp. Couch Surfing vừa giúp bạn tiết kiệm chi phí, lại vừa có thêm bạn mới.
Một đêm ở phòng dorm (tập thể) có giá tầm 210.000 đồng/người, còn nếu đặt phòng riêng thì dao động từ 600.000 - 2,1 triệu đồng/người tùy bạn lựa chọn. Tương tự như vé máy bay, phòng khách sạn mùa lễ hội cũng càng sát ngày càng tăng.
Tham gia lễ hội
Du khách có thể mua vé tham gia lễ hội qua một số trang web Việt Nam từ rất sớm, có khi trước cả năm và vé cũng hết nhanh, với giá từ 50 đến 360 USD/người (1,1 đến 8,3 triệu đồng) bao gồm vé vào cổng, đồ ăn và thiên đăng (đèn trời). Tuy nhiên, người bạn Thái Lan gợi ý cho Tâm rằng anh không cần phải mua vé vì đã đến Chiangmai thì ở đâu cũng có thể thả đèn, ở đâu cũng có thể nhìn thấy khung cảnh lung linh nên cứ xách balô lên mà đi là xong.
Loy Krathong kéo dài cả tuần lễ, mỗi ngày đều có lịch trình cụ thể như thời gian khai mạc, đốt pháo hoa, thả đèn ở đâu... thông báo cho du khách nắm rõ và chủ động. Suốt thời gian diễn ra lễ hội, lồng đèn treo khắp nơi trong thành phố. Vì thế, bạn chỉ cần chọn ngày phù hợp để chơi là được. Đặc biệt, đêm 21-23/11 là những ngày thả thiên đăng chính thức nên rất đẹp. Chiangmai cũng được xem là một trong những điểm thả thiên đăng đẹp nhất trên thế giới mà bất kỳ dân mê du lịch nào cũng muốn trải nghiệm một lần.
Ngày khai mạc, du khách mãn nhãn với phần múa diễu hành ngay tại Three Kings Monument. Hàng trăm phụ nữ và trẻ em trong trang phục truyền thống, hai tay cầm nến, sau phần đọc kinh của các nhà sư thì thắp nến rồi múa uyển chuyển. Các em bé tham gia lần đầu, chưa quen và chưa thuộc bài nên thỉnh thoảng liếc ngang liếc dọc đàn chị trông rất đáng yêu. Bài múa khá dài, nến nóng chảy xuống tay nhưng gương mặt của các "nghệ sĩ" ai nấy đều luôn tươi, chỉ cần đưa máy chụp hình đến gần là tự động tạo dáng, rất thân thiện.
Đêm đầu tiên, thỉnh thoảng bạn bắt gặp lác đác 3-4 chiếc lồng đèn đỏ mà du khách tranh thủ thả lên trời. Chủ yếu mọi người chỉ cầu nguyện, chụp ảnh ở những khu đã lên đèn vào ngày này. Ở khu vực trung tâm, hàng trăm lồng đèn trang trí đủ màu sắc khắp nơi, lúc nào cũng đông du khách. Bạn phải tranh thủ cơ hội vắng khách vào chụp hình ngay, nếu không bạn có thể phải chờ đến khuya mới được chụp.
Đêm thứ hai, đoàn diễu hành lớn ngay cổng Tha Phae hơn một giờ đồng hồ, qua các con đường đã được thắp nến quanh bờ hồ thành cổ, nhìn rất ảo diệu. Sau đó, mọi người tập trung ra bờ sông thả Krathong hoa đăng kết bằng hoa, cắm nến và nhang bên trên để cầu nguyện. Hoa đăng trang trí đủ hình dạng, từ lẵng hoa, rồng, phượng hoàng cho đến rắn chín đầu... được kết từ hoa, nến cắm trên thân cây chuối cho dễ nổi. Cũng có khi là một đống bánh mì ghép lại, trông ngộ ngộ. Nhiều người bán Krathong dọc con phố trên bờ sông, giá dao động từ 20 đến 150 baht/cái (khoảng 14.000 - 1.050.000 đồng) tùy loại. Ở đây cấm người dân tự bắn pháo hoa, sẽ bị phạt nếu vi phạm.
Bên cạnh đó, cuộc thi Yee Peng Kids tổ chức ở khu vực Văn phòng chính quyền đô thị Chiangmai, những em nhỏ tầm 7-8 tuổi trang điểm lộng lẫy trong trang phục truyền thống không khác gì người mẫu chuyên nghiệp, thu hút sự tò mò của du khách.
Đêm trăng tròn là thời điểm bắt đầu thả đèn trời và các cuộc thi nhảy, thi trang trí đèn. Với người Thái, thả Krathong xuống nước là để cảm ơn dòng sông đã mang lại nguồn lương thực tốt lành suốt một năm qua, cảm ơn đã giúp đỡ những người sinh sống cạnh dòng sông, nhờ vào sông mà sống. Còn tập tục thả đèn trời với ý nghĩa mang những thứ không tốt đẹp viết lên chiếc đèn lồng, thả lên trời cho nó bay đi mất, tan vào không trung, không quay lại nữa.
Tâm chia sẻ với Ngoisao.net, tận mắt chứng kiến từng chiếc Krathong thả xuống nước hay hàng chục nghìn chiếc đèn trời từ từ bay lên mang đến cảm giác khó tả. Dù từng nhìn thấy cảnh thả đèn trời ở nơi khác, nhưng lễ hội ở Chiangmai là một trong những lễ hội gây ấn tượng sâu sắc và khiến anh chàng lưu luyến nhất. Tâm cũng cho biết, năm sau nhất định sẽ quay lại Chiangmai một lần nữa vào dịp này, bởi nếu đã một lần chứng kiến khung cảnh hoành tráng ở đây, bạn chắc chắn sẽ khó có thể quên được.
Tâm Vũ - Vi Yến
Ảnh: NVCC
Video: Douyin