MK trên sân khấu. |
Xuất hiện ở Việt Nam chỉ mới vài năm trở lại đây, nhưng beatbox đã thu hút được sự quan tâm và yêu thích của các bạn trẻ. Môn nghệ thuật này đang trở thành một xu hướng mới trong giới trẻ Việt Nam từ sau khi Nguyễn Minh Kiên, chàng sinh viên trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội là người đầu tiên theo đuổi và tập thành công human beatbox hay còn gọi là beatbox.
Beatbox là nghệ thuật mô phỏng tiếng bộ gõ. Ví miệng như một chiếc hộp, các âm thanh khác nhau được tạo ra từ sự va chạm, tiếp xúc trong miệng kết hợp với các bộ phận của cơ thể. Từ những năm 1970, người Pháp đã kết hợp dòng nhạc Acapella với tiếng ho, đập của người Ấn Độ để tạo ra một loại mới: nghệ thuật thổi nhạc bằng miệng. Năm 1980 đánh dấu một mốc quan trọng với yếu tố thứ năm của hip hop. Đó là năm beatbox phát triển thăng hoa nhất với ba huyền thoại nổi tiếng Darren 'Buffy' Robinson, Doug E Fresh và Biz Markie. Beabox chỉ thực sự trở lại và phát triển từ năm 1999 khi có một rapper người Mỹ vừa chơi nhạc vừa đệm trống cùng một lúc.
Tâm sự cùng những người chơi beatbox mới thấy được lý do tại sao môn nghệ thuật có tuổi đời còn "rất trẻ" ở Việt Nam này lại có sức cuốn hút các teen Việt mạnh mẽ đến thế. "Tập beatbox đòi hỏi phải kiên trì và có lòng say mê. Thích thôi chưa đủ vì thích mới chỉ kích thích người ta bắt chước. Khi không bắt chước được họ thường nản. Vì vậy phải có lòng đam mê và kiên nhẫn", Kiên chia sẻ.
Những người mới "bén duyên" cùng beatbox cho rằng, khó nhất là tập scrash (tiếng cọ đĩa) và phải giữ được hơi khỏe sao cho không bị ngắt quãng trong lúc chơi. Với beatbox, hơi là quan trọng nhất, muốn giữ cho hơi khỏe, trong cần luyện tập thường xuyên và đều đặn. Có ba âm cơ bản trong beatbox là kick drum, snare và hihate. Người chơi ban đầu phải tập tiếng trống, sau khi đã thành thạo mới "tính" đến phần trộn âm.
Huyền thoại beatboxer Darren 'Buffy' Robinson qua đời năm 1995 vì bệnh tim. Ảnh:humanbeatbox. |
Không phải bất cứ ai tập cũng giỏi vì ngoài các kỹ thuật cơ bản ra, beatboxer phải là một người có tai nghe nhạc chuẩn và có khả năng bắt chước. MK ví mình như một chiếc máy nghe nhạc, nhạc phát ra như thế nào thì miệng mình làm lại giống thế đó.
Biết đến beatbox sau khi nghe bài Cruel summer, thấy mình như bị cuốn theo giai điệu lạ, MK bắt chước làm theo. Càng học càng thấy đam mê, Kiên tự mình tìm hiểu bằng tài liệu trên mạng và nghe đĩa của các beatboxer nổi tiếng thế giới.
Ban đầu, chỉ là "họ làm thế nào mình cố bắt chước như vậy", Kiên vẫn chưa biết được mình tập đúng hay sai. Bằng cách tập qua micro, âm thanh chính xác, cậu sinh viên mới phân biệt được nhịp, phách trong các bản nhạc. Học rất nhanh, chỉ sau 2 tháng, Kiên đã có thể bắt chước giống hệt đĩa. Đến nay, MK có thể bắt chước được tiếng sáo, nhị, kèn armonica và kèn saxophone.
4917 |
Video biểu diễn beatbox của MK. |
Những người đến với nghệ thuật beatbox chủ yếu là những sinh viên, học sinh thậm chí cả những người đã đi làm. "Tu luyện" đã hơn một năm nay, Trần Sơn Tùng (sinh viên Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) cũng "mới chỉ chơi được những bài trộn âm thông thường còn việc bắt chước được tiếng sao, nhị, kèn acmornica như MK thì cần phải luyện dài dài".
Cũng giống như Tùng, Việt Anh (sinh viên Đại học Kinh doanh và Công nghệ) rất hào hứng khi nói về đam mê "thổi nhạc bằng miệng": "Betabox không hề dễ chơi nhưng mình ấn tượng ngay khi lần đầu tiên nghe MK biểu diễn. Đây là môn nghệ thuật mới lạ. Ở Việt Nam mới chỉ có các teen miền Bắc chơi là chủ yếu. Mình đang tập luyện để có thể kết hợp được guitar và beatbox nếu cả rap thì càng tốt".
Chỉ trong 2 tháng, Kiên đã có thể bắt chước giống hệt trên đĩa. |
Mặc dù được yêu thích ở Việt Nam nhưng theo Kiên, beatbox khó trở thành một trào lưu. Cậu sinh viên tâm sự, đây là môn nghệ thuật kén người chơi. Beatboxer phải là một người có tai nghe nhạc giỏi và có khả năng bắt chước. Việc truyền đạt lại cho các fan không hề dễ dàng. Ngoài khả năng, người chơi còn phải có năng khiếu.
MK không có hướng theo nghiệp diễn viên bởi chàng trai này cho rằng "học nghệ thuật để học cách biểu diễn trên sân khấu". Không chỉ là một beatboxer đơn thuần, Kiên còn mong muốn sẽ đạt tới đẳng cấp cao hơn, đó là có thể kết hợp được nhiều loại hình nghệ thuật trong mỗi tiết mục biểu diễn của mình.
Không cho rằng mình là một beatboxer số 1 Việt Nam, Kiên chỉ khiếm tốn tự nhận mình là người "đi tiên phong" và có kinh nghiệm. "Có rất nhiều người trẻ sẽ giỏi hơn em vì bây giờ các bạn tập đã có sẵn đĩa dạy. Trước đây, em chỉ nghe trên đĩa nhạc và làm theo thôi. Em chưa phải là người giỏi nhất mà chỉ là có kinh nghiệm hơn các bạn vì em đã tập beatbox từ hơn chục năm nay rồi".
Minh Phương