Xin Jifei đến từ tỉnh Liêu Ninh, đông bắc Trung Quốc có 8,3 triệu người theo dõi trên Douyin (Tiktok Trung Quốc). Anh trở thành KOL có sức ảnh hưởng nhờ lối đi riêng khi thường xuyên bóc trần sự thật về ngành công nghiệp thực phẩm. Các video của Xin mô phỏng quá trình chế biến một số món ăn công nghiệp nhưng với những chiêu thức làm giả tinh vi.
Trong một video, anh làm thạch hoa quả bằng hương liệu, bột màu (loại ăn được), nước, chiết xuất carrageenan nhưng không thêm bất kỳ loại trái cây nào. Lần khác, Xin làm xúc xích loại rẻ tiền, thường bày bán trên đường phố. Anh sử dụng bột mì, tinh bột, dầu, gia vị, bột màu và carrageenan nhưng hoàn toàn không có thịt. Carrageenan chiết xuất từ các loài rong sụn, rong đỏ, được ứng dụng rộng rãi trong công nghiệp thực phẩm để tạo gel, làm dày, ổn định.

Xin Jifei nổi tiếng bởi những video bóc mẽ thực phẩm bẩn.
Với món bít tết bò, một quy trình được Xin mô phỏng bắt đầu từ công đoạn cắt nhỏ thịt bò, cho chất hóa học để thịt kết dính với nhau, trông giống như miếng thịt bò lớn nguyên vẹn. "Bạn nghĩ rằng mình đã hời khi mua miếng bít tết chỉ với giá 5 tệ? Trên thực tế, nó chứa đầy chất phụ gia công nghệ cao", Xin nói trong một vlog.
Thịt bò khô cũng từng là đề tài bị bóc mẽ. Một miếng thịt bò sống 500 gr có giá 40 tệ nhưng thịt bò khô lại có giá 30 tệ, rẻ hơn cả chi phí nguyên liệu. Anh sử dụng thịt gà thái mỏng, muối, tinh chất ăn được, bột màu, mỡ bò để làm nhái hương vị thịt bò khô y như thật. Xin còn từng phanh phui món trà sữa không có sữa, mật ong giả được làm từ đường, nước, siro mạch nha và hương liệu hay súp yến không hề có tổ yến trong đó.
Các video của anh chàng đến từ Liêu Ninh trở nên phổ biến trên mạng xã hội và thu hút nhiều ý kiến trái chiều. Tờ China Food, do tổ chức do Hiệp hội Công nghiệp nhẹ Trung Quốc quản lý, hồi tháng 8 đã chỉ trích Xin về việc gây lo lắng vô căn cứ cho khách hàng, "cho rằng mọi thứ giá rẻ đều có hại". Một blogger có bí danh Bi Ge Guan Can Yin, người làm việc trong lĩnh vực thực phẩm, cho biết Xin đang cố gắng thu hút sự chú ý thông qua trò hù dọa. "Những video của anh ấy là một sự xúc phạm đối với các công ty ẩm thực tuân thủ luật pháp", anh này nói.
Xin mô phỏng quá trình làm xúc xích rẻ tiền ở lề đường. Video: Douyin
Nhưng nhiều người dùng mạng xã hội ủng hộ Xin và cho rằng việc làm của chàng vlogger này chỉ muốn cảnh báo tác hại cho người khác. "Tôi nghĩ Xin Jifei đang nói với chúng tôi không nên tin tưởng vào những xưởng nhỏ không có giấy phép kinh doanh hoặc giấy phép đủ tiêu chuẩn sản phẩm. Chúng ta không nên mua những sản phẩm nhái, kém chất lượng chỉ vì giá rẻ", một người bình luận.
"Họ nói anh ấy đang khuếch đại sự lo lắng nhưng tôi nghĩ chính nguồn thực phẩm này vốn dĩ đã tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Hãy bảo vệ blogger này", một người khác nói.
Đáp lại những lời chỉ trích, Xin nói: "Bán đồ ăn giá rẻ không có lỗi nhưng lừa dối khách hàng là lỗi của bạn". Sau sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng dành cho vlogger này, tờ China Food đã gỡ bài viết chỉ trích anh.
Hà Nguyên (Theo SCMP)