Trong phòng thí nghiệm công ty Bolt Threads ở thung lũng Silicon, Mỹ, nhà sáng lập kiêm CEO Dan Widmaier cùng hai đồng sáng lập David Breslauer và Ethan Mirsky đang sản xuất tơ nhện nhân tạo, thứ các nhà khoa học đau đầu tìm cách làm hàng chục năm qua.
Tơ nhện được biết đến là chất liệu cực mềm mại và chắc chắn, có thể dệt vải bền, nhẹ và gợi cảm.
Mô tả quy trình, Widmaier lấy ra một bình chứa từ tủ lạnh. Trong đó chứa những giọt nấm men cứ 4 giờ lại nhân đôi. Khi sẵn sàng vào lò lên men, chúng được lắc và khuấy trộn giống quá trình nấu bia nhưng oxy thêm vào để ngăn hóa cồn.
"Đó là cách có thể tạo ra một loại tơ", Widmaier nói.
Anh cho biết những con men này ăn đường, cứ mỗi kilogram lại ngốn hơn 0,2 USD.
Ưu điểm của tơ nhện chế tạo trong phòng thí nghiệm là có thể thay thế để đáp ứng những yêu cầu vải của người dùng như dai, mềm mại và có tính đàn hồi cao. Trong khi những nhà nghiên cứu tơ nhện khác tập trung cho mục đích quân sự hay ứng dụng y tế, Bolt Threads hướng đến chất liệu quần áo ưu việt hơn.
Thời trang là ngành công nghiệp quy mô 2,5 nghìn tỷ USD và có tác động lớn tới môi trường. Các loại sợi tổng hợp như polyester gây ô nhiễm đại dương còn sợi tự nhiên như cotton đòi hỏi diện tích đất trồng lớn và lượng hóa chất khổng lồ. Trái lại, tơ nhện là vật liệu sinh học thân thiện với môi trường.
Trong nhiều thập kỷ, giới khoa học và doanh nhân mơ về việc tạo ra tơ nhện từ phòng thí nghiệm, ví von chúng "chắc hơn thép" và "mềm như mây".
Cơ duyên đến với tơ nhện nhân tạo của chàng trai mơ làm nhà thiết kế thuốc
Widmaier, 37 tuổi, lớn lên ở thành phố Seattle, Mỹ. Anh là con trai của một nhà hóa sinh học và một dược sĩ. Từ năm lên 5, Widmaier đã say sưa với chiếc kính hiển vi được bố tặng sinh nhật và dành hàng giờ đồng hồ quan sát cấu trúc tế bào lá.
Chàng trai trẻ theo ngành hóa sinh tại ĐH Washington, ấp ủ việc trở thành nhà thiết kế thuốc. Thế nhưng năm 2004, trong một chương trình tiến sĩ tại ĐH California, anh tình cờ học về tơ nhện ở một phòng thí nghiệm.
Vị giáo sư chủ quản ở đây bị cho là "không bình thường" với các ứng dụng công nghệ sinh học theo đuổi, nhưng cuốn hút những sinh viên ưa thích điên rồ như Widmaier.
Đây là nơi Widmaier gặp Mirsky. Rồi Breslauer, một nghiên cứu sinh thạc sĩ về tơ nhện, tìm đến họ. Ba người phấn khích với một lĩnh vực khó đến nỗi hầu hết giới nghiên cứu né tránh.
Ban đầu, nhóm nghiên cứu nhện thật để hiểu bộ gen và đặc tính từng loại tơ chúng nhả ra. Có tới 7 loại được sử dụng vào những mục đích khác nhau. Loại họ quan tâm hơn cả đủ dai để nhện treo mình từ nhánh cây này sang nhánh cây khác hay trên các song cửa sổ.
Có một quãng thời gian văn phòng của các chàng trai đầy nhện tơ vàng khổng lồ giăng mạng trên những chiếc vòng lắc bụng. Nhưng từ hồi ấy, họ đã ý thức mình buộc phải làm tơ từ phòng thí nghiệm. Nguyên nhân là nhện, không giống loài tằm có thể chăn nuôi, phân chia lãnh thổ và ăn thịt cả đồng loại.
Công ty được nhóm lập ra năm 2009 từ tiền tài trợ. Bộ ba làm việc thầm lặng suốt 5 năm đầu.
Ba nhà sáng lập trải qua 4 vòng gọi vốn để có chi phí duy trì nghiên cứu. Họ chứng minh tiềm năng với nhà đầu tư bằng cách nhờ một thợ dệt lâu năm chuyên về các sợi đặc biệt dệt vải từ tơ nhện của Bolt Threads.
Việc áp dụng chất liệu mới không hề dễ dàng. Nhận xét ban đầu dành cho sản phẩm là miếng vải trông không đẹp mắt, có miếng thì chảy lỏng sau vài ngày. Ở công đoạn thử nghiệm cuối cùng cho thành phẩm được sử dụng hiện tại, Breslauer thậm chí phát hiện một vấn đề: vải co khoảng 40%.
Jamie Bainbridge, phó chủ tịch phát triển sản phẩm của hãng tơ nhện và người trước đây làm việc cho Nike, tìm ra giải pháp bằng các lựa chọn pha với sợi len, rồi sợi cellulose. Kết quả là miếng vải nhìn hấp dẫn hơn mà vẫn giữ được những đặc tính của tơ nhện.
Kể từ khi ra đời 9 năm trước, Bolt Threads mất nhiều thời gian mới có thể sản xuất và bán một số lượng ít ỏi cà vạt và mũ làm từ tơ nhện phòng thí nghiệm, chất liệu họ gọi là Microsilk. Nhưng Widmaier tin rằng đội ngũ 130 người của họ đã có đột phá cần thiết để bắt đầu thương mại hóa, và 2019 sẽ là năm tấn công thị trường.
Năm ngoái, Bolt Threads chào hàng sản phẩm đầu tiên: chiếc cà vạt tơ nhện có giá 314 USD. Tiếp theo là mũ làm từ chất liệu tương tự nhưng pha len lông cừu Pháp, giá 198 USD. Đến nay, họ mới chỉ sản xuất và bán 50 cà vạt và 100 mũ.
Doanh thu năm nay của Bolt Threads được dự đoán vượt 10 triệu USD, chủ yếu đến từ công ty Best Made Co. mà họ mua lại năm ngoái. Việc thâu tóm hãng sản xuất áo len, túi vải nằm tại New York này là bước đi để họ tiếp cận thị trường thời trang.
Nhiều nhà đầu tư đặt tin tưởng vào triển vọng của công ty tơ nhện. Bolt Threads đã gọi vốn thành công 213 triệu USD từ nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm thuộc thung lũng Silicon, giúp hãng được định giá 700 triệu USD.
Bolt Threads cũng công bố hợp tác với nhà sản xuất trang phục ngoài trời Patagonia từ năm 2016, bước tiến đem đến uy tín cho công ty trong lĩnh vực dệt may. Mặc dù vậy, Patagonia cần con số hàng nghìn sản phẩm để ra mắt một dòng trang phục mới, điều Bolt Threads hiện vẫn còn theo đuổi. Năm nay, Sue Levin, giám đốc thương mại của hãng, đang bay khắp toàn cầu thuyết phục đối tác tiềm năng để tìm đầu ra cho loại chất liệu may mặc mới.
Hiện tại, tơ nhện Bolt Threads tốn kém hơn 100 USD mỗi kg, đắt đỏ hơn tơ tằm tự nhiên cao cấp với giá dao động 60-100 USD. Nhưng công ty tin có thể giảm giá thành khi vận hành kinh doanh trơn tru và đưa giá xuống mức dưới 40 USD mỗi kg.
Quốc Việt
Theo Forbes