23 tuổi, cuộc sống của Trần Ngọc Sang mới thực sự bắt đầu khi được là chính mình, trong hình hài nữ tính. Lúc 5 tuổi, Sang đã biết mình không phải con trai, nhưng đau khổ giấu giếm vì những người xung quanh, thậm chí bố mẹ cô, không chấp nhận. Xuất hiện trong chiếc váy voan màu hồng nhạt, Sang cười lúng liếng, tự hào khoe chiếc mũi thẳng và thềm ngực cao. Hai cuộc đại phẫu vừa qua khiến cô chịu bao đớn đau nhưng cũng cho Sang cơ hội tái sinh lần hai, được là con gái, được sống cuộc đời theo ý mình.
'Đừng chơi với bé Hồng'
Hồng, cái tên đầy nữ tính mà lũ trẻ trong vùng đặt cho Trần Ngọc Sang, để mỉa mai sự e thẹn, dịu dàng của cậu nhóc có tâm hồn con gái. Sang không có bạn. Ai chơi với cô một thời gian đều ngãng ra vì không chịu được sự châm chọc. Suốt tháng năm thơ ấu, Sang lủi thủi một mình trên đường đi học về, thỉnh thoảng bị giật tóc hoặc chọi đá. Câu nói: "Đừng chơi với bé Hồng, coi chừng bị bệnh" khiến cô ám ảnh, thậm chí theo vào cả giấc ngủ.
Lúc 5 tuổi, Sang đã biết mình là con gái. Cô không thích chơi súng, bắn bi mà mê mẩn những thứ điệu đà. Sang yêu váy hoa, thích kẹp nơ, muốn buộc ruy băng lên mái tóc. Trong lần đầu cô mang về một món đồ như vậy để làm đẹp, Sang bắt gặp ánh mắt của bố từ kinh ngạc tới chua chát, thất vọng. Ông chẳng nói, chẳng rằng, chỉ bỏ ra ngoài ngồi rồi từ đó mặc kệ Sang chơi vơi trên hành trình tìm lại con người thật.
Bố Sang từng gọi cô là "đứa con trời đánh" bởi chẳng giống ai, khiến ông buồn bã và xấu hổ. Là con cả trong gia đình có hai em gái, mang trọng trách đích tôn, Sang ngộp thở trong chiếc vỏ chật hẹp. Nhiều lần bị bố quát mắng, thậm chí van xin hãy sống như thằng con trai bình thường, cô gạt nước mắt gồng lên mong dập tắt sự nữ tính. Nhưng bản năng cứ thôi thúc trỗi dậy, vài khoảnh khắc Sang thấy mình mềm mại trong từng cử chỉ, hành động. Sang đau khổ hỏi mẹ nhưng chỉ nhận được câu trả lời: "Mày đừng như vậy nữa" và không giải thích lý do.
Sang trở thành người thừa trong chính gia đình cô kể từ lúc vào cấp một. Bố không nói, không khuyên, thậm chí không nhìn Sang còn mẹ cứ thấy cô là rơi nước mắt. Khi đến lớp, Sang ngồi nép vào góc, mong đừng ai chú ý, chọc ghẹo hay lại gần. Cái tên "bé Hồng" vẫn theo cô, văng vẳng bên tai mỗi giờ ra chơi cho đến khi kết thúc bậc trung học.
Ba năm cấp ba là khoảng thời gian nhiều đau khổ với Trần Ngọc Sang, vì cô gái bên trong thể xác con trai ngày càng muốn sống thật. Sang nói dối yêu thầm một bạn nữ cùng lớp, thậm chí theo đuổi, đón đưa nhưng không ai tin. Khi sự việc bị phanh phui, Sang bị cười chê, trở thành trò cười cho chúng bạn. "Bê đê", "đồng bóng", "ái nam ái nữ"... là những cụm từ miệt thị bạn cùng lớp dành cho "thằng con trai khác người". Sang khóc vì sợ hãi, chỉ biết ôm đầu chịu trận những lúc ăn đánh hội đồng hoặc gặp đám du côn bắt nạt.
Cô độc trong thế giới lạnh lẽo và u ám, Sang không thể tâm sự với ai, chỉ thỉnh thoảng đến ôm mẹ. Ngắm mẹ ngồi chải tóc bên thềm, cô ước giá như có mái tóc ấy, khuôn ngực ấy, chắc hạnh phúc lắm. Khát khao làm con gái cứ chực trào, Sang nhiều lần bất chấp mẹ can ngăn, tìm đến bố bộc bạch. Đáp lại sự tha thiết của con gái, bố Sang quay đi khiến trái tim vốn chịu nhiều tổn thương của Sang tan vỡ.
Chàng trai đi nâng ngực
17 tuổi, Sang lần đầu biết yêu, là tình yêu đơn phương dành cho một cậu bạn cùng lớp. Cô gái mới lớn hay đứng từ xa nhìn, không dám lại gần, càng không dám thổ lộ. Khoảnh khắc ấy, Sang ước mình là con gái để được hưởng niềm hạnh phúc giản đơn nhất. Học xong lớp 12, cô tự cho phép bản thân trút bỏ chiếc vỏ bọc cứng nhắc, bắt đầu trang điểm và nuôi tóc dài.
Sự lạnh lẽo bao trùm lên gia đình Sang kể từ khi cô công khai tô son, mặc váy. Sang không vào đại học mà chọn con đường gian nan hơn để mưu sinh: phục vụ quán rượu, bưng bê. Vì diện mạo không giống ai, Sang chật vật tìm việc nhưng đi đến đâu cũng bị từ chối. Họ trả lời cô không đủ sức khỏe, ngoại hình chưa ổn hoặc nói thẳng vào mặt là ở đó không tuyển nhân viên "bê đê".
Thu nhập bèo bọt từ công việc chân tay, Sang cố gắng xoay xở cuộc sống. Những lúc thích lắm cô mới dám mua cho mình chiếc váy mới hay thỏi son. Một lần đi chơi, Sang may mắn lọt vào mắt một nhiếp ảnh gia nên được mời thử làm người mẫu quần áo. Cát xê đầu tiên trong đời là chiếc áo thun khiến cô vui tới mức cả ngày tủm tỉm cười.
Cơ duyên tình cờ mang Sang đến với công việc người mẫu nhưng cũng không giúp cuộc sống của cô bớt áp lực. Người mẫu trai giả gái như Sang không được tôn trọng, thường diễn lót và nhận tiền công chỉ vài trăm nghìn đồng. Những tháng nhiều show, Sang thấy vui có được món tiền chừng hơn một triệu đồng. Tháng nào ít, chỉ vỏn vẹn 3-4 trăm nghìn đồng hoặc tệ hơn là không show để diễn.
Cuộc sống không dư dả nhưng ba tháng trước, Trần Ngọc Sang quyết định dành một phần thu nhập hàng tháng để tiêm hormone nữ. Đều đặn mỗi tuần, cô đến cơ sở tiêm do những người cùng giới truyền tai nhau, tiêm một mũi hormone của Thái Lan với giá khoảng 150-200 nghìn đồng. Sau mũi tiêm đầu tiên, cơ thể Sang như nhũn ra, khắp người bí bách và tay chân đau nhức. Cô mất ngủ triền miên, dễ dàng nổi cáu và hễ chợp mắt là gặp ác mộng.
Mũi tiêm thứ hai mang "hơi gái" đến thể xác nam tính của Sang, khiến cơ bắp mềm hơn, da trắng và bắt đầu vỡ giọng. Cô cảm nhận sự chuyển mình rõ rệt, lúc soi gương, Sang như thấy một cô gái đang cười. Càng bước xa trên hành trình này, Sang càng mệt mỏi vì muốn thêm nhiều thứ. Cô muốn có ngực, có gương mặt thon, cái mũi nhỏ và vầng trán đẹp như bao cô gái khác được tạo hóa ban tặng.
Nằm mơ Sang cũng không dám tin một ngày được thực hiện các cuộc phẫu thuật có chi phí cả trăm triệu đồng để trở thành con gái. Đứng trước cơ hội tham gia cuộc thi về thay đổi diện mạo, cô như "chết đuối vớ được cọc", nhưng cũng nhiều đắn đo. Sang tâm sự từ nhỏ rất sợ đau, xước chút da tay là mếu máo nên cảm thấy hoảng sợ khi động chạm dao kéo vào cơ thể. Nhưng một người bạn nói với cô rằng: "Cuộc đời mày vốn bất hạnh, hãy coi đây là ván bài may rủi để hy vọng nếu thắng sẽ thay đổi số phận".
Hai cuộc đại phẫu gồm nâng ngực, hạ gò má, gọt xương cằm, sửa mũi và hạ đường chân tóc diễn ra liên tiếp khiến cơ thể Trần Ngọc Sang kiệt quệ. Kết thúc đợt phẫu thuật này, Sang chưa hoàn hồn đã phải gắng gượng lên giường mổ để thực hiện đợt tiếp theo. Da ngực con trai vốn dầy, căng, khi làm ngực phải nhét túi độn xuống dưới lớp cơ, gây cảm giác khó thở. Mỗi khi Sang cười hay biểu lộ cảm xúc trên gương mặt, vết khâu hạ đường chân tóc bị căng ra, đau đớn đến thắt ruột.
Sang ngắm mình hàng giờ trong gương sau khi phẫu thuật nâng ngực thành công. Cô vuốt ve cặp tuyết lê, mang hết số quần áo gợi cảm đã mua trước đó nhưng giấu kỹ ra mặc thử. Lần đầu tiên trong đời, Sang được làm con gái thực sự. Cô đưa tay kéo chiếc cổ áo trễ xuống, để lộ khe ngực sâu hút rồi hỏi bạn bè trông có đẹp không.
Mẹ luôn ở bên Sang trong những ngày cô chật vật tìm lại giới tính. Nhưng khi đau đớn vì phẫu thuật, người Sang nhớ đến lại là bố. Sang khóc nghẹn trong điện thoại, nũng nịu như đứa trẻ bị bắt nạt vì muốn bố an ủi. Bố Sang có vẻ ngoài lạnh lùng, luôn thờ ơ với con nhưng nấc lên từng hồi hỏi Sang vì sao ra Hà Nội phẫu thuật mà không nói gì với bố.
Suốt những ngày Sang cắt da, khâu thịt để trở lại chính mình, cô cảm thấy trái tim người cha bấy lâu băng giá như mềm ra từng chút. Ngày Sang lên sân khấu nhận giải thưởng của cuộc thi, bố cũng đến dự nhưng đứng sau cánh gà, xấu hổ chẳng dám lên cùng con. Sang kể rằng cô đã khóc rất nhiều khi thấy bố lấy điện thoại chụp ảnh liên hồi. Kể từ lúc Sang nói với bố mình không phải con trai, đây là lần đầu ông ngắm cô không rời mắt.
Chặng đường phía trước của Trần Ngọc Sang còn nhiều khó khăn. Có diện mạo đẹp, cô mong muốn đắt show để đủ tiền lo cho gia đình và trang trải cuộc sống. Cách đây mấy năm, bố Sang thất nghiệp, mẹ bị bệnh nặng nên mọi tài sản trong nhà phải bán hết. Số tiền vài triệu đồng Sang kiếm được từ việc bưng bê và làm người mẫu trở thành nguồn thu nhập chính của cả nhà, nuôi bố mẹ và hai em gái ăn học.
Lam Trà