Với chiều cao 2,2 m, nặng gần 120 kg, Trần Ngọc Tú (đội tuyển Vovinam TP HCM) là VĐV thể thao cao nhất Việt Nam. Xét trong toàn dân số, anh là người cao thứ hai, sau anh Hồ Văn Trung (35 tuổi, ngụ xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau) cao 2,55 m.
Ngọc Tú sinh năm 1997, quê ở xã Thiệu Thịnh (huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa) trong một gia đình nông dân có ba người con. Người anh đầu của Tú cao 1,7m, em gái còn nhỏ; cha mẹ cao dưới 1,7m. Cả dòng họ của Tú người cao nhất 1,8 m.
Từ nhỏ, chế độ ăn uống của Tú không có gì đặc biệt, thậm chí còn thua kém nhiều người do gia đình còn khó khăn. Khi bước sang lớp 7, Tú nghỉ học đi làm thợ hồ. Gắn bó công việc này được ba năm, khi Tú đang xây dựng một công trình thể thao ở Hà Nội, một huấn luyện viên của câu lạc bộ bóng chuyền Tập đoàn Dầu khí đi qua. Ông thấy Tú cao hơn 1,9 m nên đưa về cho tập luyện.
Tuy nhiên sau một tháng, Tú không phù hợp với môn thể thao này và được giới thiệu sang bộ môn vật tự do của tỉnh Ninh Bình. Anh cũng không thể hiện được tố chất với bộ môn này. Năm 2013, Tú được một huấn luyện viên đội pencak silat Vĩnh Phúc tuyển về. Sau hai năm, Tú giành được một huy chương đồng giải trẻ pencak silat toàn quốc năm 2015 và có mong muốn gắn bó với môn thể thao này.
Tuy nhiên, anh lại phát triển quá nhanh. Năm 2016, Tú cao 2,15 m và nặng 115 kg. Trong khi đó, môn pencak silat giới hạn 110 kg, Tú lại không giảm được cân. Anh xin rời khỏi đội pencak silat Vĩnh Phúc, quay về làm thợ xây vì hạng cân không còn phù hợp.
Tú kể, nhờ một bài báo viết về anh năm 2016, đội tuyển Vovinam TP HCM biết được nên chiêu mộ. Anh dần thích nghi với thời tiết nắng nóng nơi phương nam, luyện tập hăng say với bộ môn mới.
Sau khi giành huy chương bạc giải Vovinam vô địch quốc gia năm 2017 và ba huy chương đồng ở các giải khác, Tú cùng đội tuyển TP HCM tham dự giải vô địch Vovinam quốc gia năm 2019 tại Quảng Nam từ ngày 18 đến 22/10, ở hạng cân trên 92 kg.
Mở màn giải đấu, Tú thắng vận động viên Ngọc Huy của Bình Thuận với tỷ số 1-0. Tiến vào bán kết, anh vượt qua Thanh Phú của Đà Nẵng với tỷ số 3-0 để có mặt ở trận đấu cuối cùng.
Trận chung kết, Tú gặp đối thủ Đức Điệp của Thanh Hóa có bề dày kinh nghiệm, từng giành nhiều huy chương vàng cấp quốc gia ở các hạng cân lớn. Sau 3 hiệp chính và hiệp phụ hòa nhau, hai người phân thắng thua bằng cách bốc thăm theo luật của ban tổ chức. Tú may mắn bốc trúng lá thăm dành cho người thắng cuộc.
Tú cho rằng chiều cao của mình là lợi thế khi đấu Vovinam. Khi thi đấu đối thủ không đánh được vào vùng đầu của anh, nếu có đánh thì cũng khó được điểm. "Trong trận đấu với anh Đức Điệp, tôi chỉ chờ anh ấy đánh rồi phản đòn, vì đối thủ của mình có rất nhiều kinh nghiệm thi đấu hơn", Tú chia sẻ.
Tuy nhiên, trong cuộc sống, chiều cao ngoại cỡ gây nhiều khó khăn cho chàng trai này. Khi ngủ anh ít khi được thoải mái, phải co chân, không được duỗi thẳng, bởi giường thường được đóng dài 2 m. "Khi đi lại thì tôi thường xuyên va đầu vào cửa, trần nhà", anh kể.
Đối với đồ dùng, Tú phải đặt thợ làm giày dép riêng cho mình. Còn áo quần thì mua những loại sản xuất cho người Tây dùng. "Hiện mình tập trung luyện tập để tham gia các giải đấu tiếp theo, thời gian rảnh đi làm người mẫu cho các nhãn hàng để kiếm thêm", anh cho biết về kế hoạch sắp tới.
* Ảnh: Trần Ngọc Tú khi tập luyện và trong đời thường
Giải vô địch Vovinam quốc gia năm 2019 diễn ra tại Quảng Nam do Tổng cục Thể dục thể thao, Liên đoàn Vovinam Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và thể thao du lịch Quảng Nam tổ chức. Tham gia tranh tài tại giải lần này có hơn 400 vận động viên (VĐV) nam, nữ đến từ 30 đơn vị tỉnh, thành phố, ngành trên cả nước. Đây là giải có quy mô khá lớn, với tổng cộng 26 nội dung đối kháng và 22 nội dung quyền.