Gavin Wheeldon, công dân Anh, được đưa đến khu cách ly tại Sơn Tây, sau khi từ London tới Hà Nội hôm 14/3. Bài viết của Gavin Wheeldon về cuộc sống tại khu cách ly có khung cảnh yên bình, nơi xa xa là những cánh đồng có nông dân đang làm việc, đăng trên Southeast Asia Globe, tờ báo chuyên viết về Đông Nam Á, có trụ sở ở Phnom Penh, Campuchia.
5h sáng, tôi đáp máy bay xuống Nội Bài với nhiều hy vọng về cuộc sống mới ở quốc gia mình yêu thích. Cuối cùng, tôi đã làm được. Rời máy bay, chúng tôi được chào đón bởi những hàng rào barrier và phải khai báo y tế. Mọi người đang được lấy mẫu bệnh phẩm và các nhân viên y tế đều mặc quần áo bảo hộ. Nỗi lo lắng bây giờ không chỉ là những tiêu đề trên báo nữa.
Mỗi người trong chúng tôi đều phải chờ để lấy mẫu bệnh phẩm và nộp hộ chiếu. Thật may vì tôi đã điền vào tờ khai trực tuyến và không phải xếp hàng. Tôi từng gặp nhiều hình thức khai báo phiền phức hơn thế này. Họ lấy mẫu bệnh phẩm từ họng và mũi tôi rồi ra hiệu ngồi chờ ở một khu vực tập thể.
Tôi ngoái nhìn hàng người đang di chuyển chậm chạp. Người nước ngoài hay người Việt Nam, ai cũng phải chờ đợi. Nhiều giờ trôi qua, nỗi lo lắng gia tăng khi không ai trong số hành khách biết thêm thông tin. Một nhóm khách cao tuổi gần đó cất tiếng phàn nàn nhưng tôi nhận thấy không chỉ du khách bối rối mà ngay cả nhân viên cũng đang chờ đợi điều gì đó. Tôi nhận ra ở đâu đó, ai đấy đang họp bàn về nơi chúng tôi sẽ đến.
Khoảng 4-5 tiếng sau, chúng tôi được thông báo có hai lựa chọn: nhận lại hộ chiếu và mua vé chuyến bay khác về nước, hoặc chấp nhận cách ly 14 ngày tại Việt Nam. Mọi thứ đều miễn phí trừ khi chúng tôi dương tính, khi đó người nước ngoài phải trả viện phí điều trị còn người Việt được miễn phí.
Tôi thấy thật tội cho người phiên dịch khi mọi người phàn nàn và đặt nhiều câu hỏi giống nhau. Cô ấy ở đây để giúp chúng tôi. Thế rồi mọi chuyện chuyển hướng theo một cách rất nhân văn, chúng tôi là những vị khách tại một đất nước đang làm hết sức để bảo vệ mình và lịch sự cung cấp điều tương tự cho chúng tôi. Đây là bản chất tốt của người Việt Nam.
Tất cả người Việt đều vào khu cách ly và chúng tôi phải lựa chọn. Dù lựa chọn nào đi nữa cũng không thể quay đầu. Chỉ còn 4 người nước ngoài đang đắn đo, chúng tôi không biết sẽ đi đâu và điều gì đang chờ đợi, chỉ nghe đồn là nơi đó rất xa.
Chúng tôi được đưa đến một lối đi và có xe chờ sẵn. Hộ chiếu được cho vào túi sinh học màu vàng sáng. Ra khỏi sân bay, chúng tôi dự đoán về điều kiện cách ly. Liệu chúng tôi có được cho ăn uống đầy đủ? Chúng tôi có ở gần người bệnh? Khung cảnh thay đổi nhanh chóng từ những con đường đông đúc, lên cao tốc rồi đến vùng quê, cho đến khi chúng tôi đến một doanh trại quân đội.
Họ phun thuốc khử trùng và đưa chúng tôi đến một khoảng sân rộng, nơi hành lý cũng được khử trùng. Tôi nhìn xung quanh, thấy hai ký túc xá lớn và hàng rào bao quanh. Ai cũng mặc quần áo bảo hộ. Từng người trong chúng tôi tới đăng ký và được hướng dẫn đến phòng. Người nước ngoài ở riêng và nam, nữ ở riêng. Những ai sức khỏe yếu hoặc đi cùng trẻ nhỏ được ở phòng khác. Sân bay hỗn loạn nhưng chỗ cách ly được tổ chức quy củ. Rõ ràng khi cả thế giới bị động, Việt Nam đã có sự chuẩn bị.
Bước tới phòng mình, tôi nhìn khung cảnh xung quanh, thấy hàng rào, sân tập và những cánh đồng phía xa, nơi có nhiều nông dân đang làm việc. Điều kiện tốt hơn nhiều so với mong đợi của tôi. Bốn người nước ngoài ở chung một phòng có 10 giường tầng. Chúng tôi trò chuyện rồi đi vào giấc ngủ. Sáng hôm sau, cả phòng có cuộc cãi vã nhỏ về việc một số nói chuyện trong khi người khác ngủ. Chúng tôi đã giải quyết sau đó và thống nhất cần phải để ý đến người khác. Bữa sáng với bánh mì đã làm thỏa mãn cơn đói và tôi tiếc rằng trước đây đã bỏ lỡ hương vị của món ăn này.
Sau đó, một người lính quay lại và mua thẻ sim cho tôi. Tôi muốn boa cho anh ấy vì đã giúp đỡ nhiệt tình kể từ khi tôi đặt chân đến đây nhưng anh từ chối, chỉ lấy tiền sim. Người phiên dịch của chúng tôi đến và hỏi thăm tình hình. Cô ấy tiết lộ không phải đến từ đại sứ quán mà là tình nguyện viên. Cô mạo hiểm để giúp chúng tôi. Tôi nghe nói kết quả xét nghiệm đã có trong đêm và tất cả đều âm tính, trừ một người cao tuổi ngồi ở khoang thương gia. Tôi thấy nhẹ nhõm nhưng cũng lo lắng. Lỡ tôi đứng gần người đó? Tôi đã chạm vào thứ gì mà người đó chạm vào? Những gì tôi biết là người đàn ông này không cùng chúng tôi đến đây. Chúng tôi liên lạc với người thân, trấn an họ và thông báo phải ở đây trong 14 ngày.
Bên ngoài, mọi thứ thật yên bình. Tôi nhìn thấy những người lính làm việc không mệt mỏi khi khử trùng phòng ở hàng ngày, đo thân nhiệt cho chúng tôi và dọn sạch các thùng rác. Họ sống ở đây để cống hiến cho đất nước, họ cũng thân thiện và chu đáo. Giờ thì tôi có cảm giác giống một trại nghỉ dưỡng hơn là trại cách ly. Trong phòng, chúng tôi chia sẻ đồ ăn nhẹ, trái cây với nhau và nhận được nhu yếu phẩm tiếp tế.
Thấy tôi đi bộ ra ngoài, phía sau khu vực được chỉ định, một người đàn ông Việt Nam cất tiếng "xin chào". Anh ta hỏi tôi vài câu và muốn biết có bao nhiêu người trong phòng. Tôi đáp có bốn người, còn anh ta kể ở cùng 16 người. Bạn tôi liền cảnh báo tôi cẩn thận, nếu không sẽ bị nghĩ có đặc quyền trong chuyện cách ly.
Khu cách ly này sẽ sớm chứa đầy 700 người. Trong vòng 12 giờ, dòng xe đến và đi liên tục trong đêm. Đến sáng, chúng tôi đã có hàng xóm mới và tòa nhà đối diện đã đông đúc. Bạn có thể nghe thấy tiếng của đám đông từ chỗ của tôi. Nỗi lo hiện lên: Chúng tôi liệu có nhiễm bệnh từ người khác? Tình hình hiện vẫn ổn nhưng người phiên dịch nói chúng tôi ở đây là để cách ly khỏi Việt Nam chứ không phải cách ly với nhau. Tôi chụp vài bức ảnh và đi bộ xung quanh. Số ít hành lý vì một lý do nào đó vẫn còn ở ngoài sân, trong số đó có cả một chiếc xe đẩy trẻ em. Cảnh tượng khiến tôi hơi rùng mình.
Tình hình nơi đây vẫn ổn định nhưng chúng tôi lo là điều này sẽ thay đổi, có thể là do càng đông người xa lạ, nỗi căng thẳng ngày càng tăng. Việc sợ bị lây từ người khác sẽ khiến mọi người tự thiết lập ranh giới với nhau. Điều này thì không chắc, nhưng chúng tôi đều đang ở đây cùng nhau. Rõ ràng là Việt Nam đang rất nỗ lực để đảm bảo an toàn cho tất cả.
Sơn Nam (Theo Southeast Asia Globe)