Các phát biểu của Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad suýt chút nữa bị lãnh đạo phương Tây trừng phạt bằng cách loại Iran khỏi World Cup. |
Trong số 32 nước có đội dự World Cup, có lẽ Iran được nhắc đến nhiều nhất trên phạm vi toàn cầu, nhưng không phải vì lý do bóng đá. Cuộc tranh cãi về vấn đề hạt nhân đã bùng nổ giữa quốc gia có lượng dầu mỏ nhiều thứ hai thế giới với các thế lực phương Tây, suốt nhiều tháng qua. Cuối cùng thì giới hâm mộ túc cầu đã có thể thở phào khi nguy cơ gạt bỏ Iran khỏi World Cup vì lý do chính trị đã không còn, bất chấp mâu thuẫn còn lâu mới chấm dứt.
Bên cạnh dầu mỏ và hạt nhân thì bóng đá thực sự là một phần quan trọng trong đời sống của người dân Iran. Khi đoàn quân của HLV Branko Ivankovic trở thành đội đầu tiên giành vé dự World Cup đầu tháng 6 năm ngoái, quốc gia hồi giáo này chìm trong không khí lễ hội. Không chỉ là VĐV thể thao đơn thuần, ở Iran, các tuyển thủ bóng đá quốc gia còn được coi như đại sứ.
Trong lịch sử các kỳ World Cup, thành tích của Iran vẫn còn hết sức nghèo nàn với 2 lần tham dự (1978 và 1998, chiến thắng duy nhất là trận hạ Mỹ 2-1 cách đây 8 năm). Tuy vậy, họ vẫn là một thế lực lớn, và được coi là đội có lối chơi hấp dẫn nhất châu Á. Iran cũng là quốc gia xuất khẩu nhiều cầu thủ nổi tiếng sang châu Âu như Ali Daei (từng đá cho Bayern, Hertha Berlin), Ali Karimi (thuộc biên chế của Bayern), Vahid Hashemian (Hannover 96), và Mehdi Mahdavikia (Hamburg). Nếu chỉ xét riêng về yếu tố này thì có lẽ Nhật Bản, Hàn Quốc cũng phải ngả mũ bái phục.
Cách đây mấy hôm, đích thân HLV Chelsea, Jose Mourinho đã lên tiếng cảnh báo đội bóng Bồ Đào Nha quê hương về sự nguy hiểm của Iran: "Họ là đội bóng có cá tính và giàu động lực chiến thắng. Ngay cả khi không thể san lấp khoảng cách về chiến thuật và kỹ thuật so với các đội bóng châu Âu, Iran vẫn đủ sức khiến người ta phải bực mình". Có lẽ chỉ riêng nhận xét này cũng đủ cho thấy Iran không phải quá yếu, như người ta vẫn nhìn nhận tại các giải "to".
Với những ngôi sao như Karimi (trái), Iran nhận được sự tôn trọng đáng kể. |
Nằm cùng bảng với Mexico, Bồ Đào Nha, và Angola, cơ hội đi tiếp của đội bóng Trung Đông không phải lớn, bởi hai đối thủ đầu có quá nhiều kinh nghiệm. Nhưng để ghi dấu ấn và để chứng minh rằng ngoài dầu mỏ và hạt nhân, Iran vẫn còn bóng đá, thì hoàn toàn đủ sức.
Các cầu thủ trụ cột
Đầu tiên phải kể tới Ali Karimi. Cầu thủ có biệt danh "Maradona của châu Á" hoặc "phù thủy thành Tehran" này là dự bị cho Ballack tại Bayern, trong mùa bóng vừa qua. Ngay từ nhỏ, Karimi đã thể hiện được kỹ thuật cá nhân điêu luyện và nhãn quan chiến thuật hiếm có. Chẳng thế mà năm 20 tuổi, "tiểu Maradona" đã được gọi lên tuyển.
Ngôi sao thứ hai phải kể tới Ali Daei. Gánh nặng tuổi tác (37) không cản nổi cựu tiền đạo Bayern thôi cống hiến cho đất nước. Tuy độ chính xác của các pha dứt điểm không cao như thời còn sung sức, nhưng nhạy cảm ghi bàn thì vẫn còn nguyên. Hiện Ali Daei đang giữ kỷ lục người lập công nhiều nhất ở đẳng cấp quốc tế (107 bàn, sau 143 trận).
Vahid Hashemian cũng là cái tên không thể bỏ qua. Tiền đạo 29 tuổi cũng từng đầu quân cho Bayern và được Bundesliga ghi nhận tài dứt điểm. Trong màu áo Hannover mùa này, Hashemian tiếp tục đóng vai trò trụ cột. Còn tại vòng loại World Cup năm ngoái, các bàn thắng quyết định của anh đã giúp Iran hạ Qatar và Nhật Bản.
Bạn có biết? |
Phụ nữ ở Iran vẫn không được đến SVĐ. Cách đây chưa lâu, tổng thống Iran, Mahmoud Ahmadinejad, đã bật đèn xanh cho phép CĐV nữ tới xem trực tiếp các cuộc thi đấu thể thao. Nhưng sau đó, nhà lãnh đạo tối cao, giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei, bác bỏ bởi lý do không phù hợp với Đạo hồi. |
Bên cạnh đó, Mehdi Mahdavikia vẫn sẽ là nhân vật mà các đối thủ ở bảng D chưa thể bỏ qua. Tiền vệ phải có lối chơi tốc độ này vừa có một mùa bóng khá hay, khi cùng Hamburg đoạt vé dự Champions League.
Ngoài 4 ngôi sao trên, Iran còn có một số cầu thủ đáng chú ý như Moharram Navidkia (CLB Bochum) và Fereydoon Zandi (Kaiserslautern). Có một điều đặc biệt là tất cả họ đều đang "kiếm sống" tại Bundesliga. Đây có thể coi là một lợi thế đáng kể.
Mahdavikia là trụ cột trong màu áo Hamburg.
Đánh giá của các chuyên gia sân cỏ
Tuy chiến thuật có phần thận trọng là nguyên nhân khiến giới truyền thông và người hâm mộ chỉ trích HLV Branko Ivankovic suốt hai năm. Nhưng nếu xét về hiệu quả thì hẳn những luận điệu đó đang gây mâu thuẫn. Chẳng thế mà vị cựu trợ lý của đội tuyển Croatia đoạt HCĐ World Cup 1998 đã tại vị tới hơn 4 năm - con số ấn tượng đối với một quốc gia vùng vịnh vốn có thói quen thay HLV như thay áo.
Trong các trận giao hữu gần đây, Iran đã không ngần ngại thể hiện "bộ mặt thật" của mình khi hạ Costa Rica 3-2, hòa Croatia 2-2, và đè bẹp Bosnia tới 5-2. Đó có thể coi là những màn trình diễn hơi "phô", và qua đó các đối thủ ở bảng D thêm phần thận trọng khi gặp Iran. Bất chấp điều này, đội bóng Trung Đông vẫn có thể cạnh tranh một trong hai vé vào vòng 1/16, nếu các tuyển thủ đạt phong độ cao nhất.
Các trận vòng bảng của Iran
Bảng D Mexico Iran Angola Bồ Đào Nha |
11/6, gặp Mexico
17/6, gặp Bồ Đào Nha
21/6, gặp Angola
Danh sách 23 cầu thủ:
Thủ môn: Ebrahim Mirzapour (Foolad Khuzestan), Vahid Talebloo (Esteghlal Teheran), Hassan Roudbarian (Pas).
Hậu vệ: Yahya Golmohammadi (Saba Battery), Mohammad Nosrati (Pas), Rahman Rezaei (AC Messina), Sattar Zare (Bargh Shiraz), Hossein Kaabi (Foolad Khuzestan), Sohrab Bakhtiarizadeh (Saba Battery), Amir Hossein Sadeqi (Esteghlal Teheran).
Tiền vệ: Javad Nekounam (Sharjah/VAE), Anderanik Teymourian (Abomoslem Khorasan), Mehdi Mahdavikia (Hamburg SV), Fereydoon Zandi (Kaiserslautern), Ali Karimi (Bayern Munich), Mehrzad Madanchi (Persepolis), Javad Kazemian (Persepolis).
Tiền đạo: Ali Daei (Saba Battery), Vahid Hashemian (Hannover 96), Reza Enayati (Esteghlal Teheran), Arash Borhani (Pas), Masoud Shojai (Saipa), Rasoul Khatibi (Sepahan Isfahan).
(Theo VnExpress)