Gặp Đào Duy Ngọc tại Hà Nội vào cuối tháng 5 khi anh vừa hoàn thành xuất sắc trước 6 tháng chương trình đại học tại ĐH Austin, một trong những ĐH danh giá nhất nước Mỹ.
Buổi tối trước khi lên đường sang Quảng Châu (Trung Quốc) với người mẹ đang chữa trị cơn bạo bệnh, anh đã tâm sự câu chuyện xúc động về những khoảng trời, nơi bước chân người trẻ đi tìm khát vọng, cũng là nơi luôn cháy bỏng tình yêu của mẹ...
Chàng trai trẻ cùng thế hệ 8X mang trong huyết quản dòng máu của miền Kinh Bắc nguyên sơ, nhưng sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Bố mẹ anh, ông Đào Đình Kính và bà Lê Thị Oanh, nay đều đã ở vào tuổi nghỉ ngơi.
Lấy nhau từ năm 1974, thế mà mãi đến năm 1985, họ mới sinh ra Ngọc. Ngọc bật mí căn nguyên tên mình: "Bố mẹ bảo lấy nhau 11 năm mới sinh mình, vất vả lắm, lại là con một nữa, nên mới đặt tên là Duy Ngọc".
Rồi anh say sưa kể về ông bà, bố mẹ, các cậu, các mợ - những tấm gương về sự thành đạt để anh soi vào. Ông ngoại Ngọc - cụ Lê Văn Hưu mấy chục năm công tác ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, là thạc sĩ cả 2 chuyên ngành: Triết học và chính trị học.
Bố Ngọc nguyên là kỹ sư Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, mẹ nguyên là giảng viên vật lý, ĐH Sư phạm (ĐH Quốc gia HN). Các cậu, mợ đều là những doanh nhân, người định cư ở Ba Lan, người bên Trung Quốc... Anh tự hào vì mình đã trưởng thành từ một mái ấm gia giáo. Niềm tự hào lúc nào cũng ngời lên từ đôi mắt lấp lánh của anh.
Với Ngọc, gia đình đã trao tình yêu và khát vọng cho anh ngay từ tuổi thơ. Tấm vai gầy của mẹ vừa đảm đương thiên chức của người phụ nữ, vừa gánh cả phần của cha, vì ông vẫn phải đằm mình trong những chuyến công tác bận bịu, đã dạy anh bao bài học từ khi chập chững.
Đến giờ, ký ức của Ngọc vẫn đọng lại nguyên vẹn lẽ sống của mẹ: "Điều quan trọng là con tự mình phải nạp đủ tri thức để trở thành người có ích cho xã hội chứ không phải chỉ là vấn đề bằng cấp".
Cả mấy chục năm đứng lớp, bà Oanh đã truyền lẽ sống ấy cho bao thế hệ học trò. Với Ngọc, suốt những năm học lớp chuyên tiếng Anh tại trường THCS Giảng Võ, rồi lớp K15B khối chuyên vật lý, ĐH KHTN (ĐHQG Hà Nội), cho tới bây giờ, anh đã ấp ủ nó như một ngọn lửa. Chính nó cho anh niềm tin bước vào tương lai. Học hết lớp 11, anh gửi hồ sơ tham dự chương trình du học trong dự án Trao đổi văn hóa Việt - Mỹ (tháng 4/2002).
Đào Duy Ngọc (trái) cùng trong thời gian học tại ĐH Austin. |
Tháng 8/2002, Ngọc lên máy bay. Thế là gia đình anh, mỗi người ở một phương trời: Mẹ ở Hà Nội, bố có những chuyến đi dài bên nước Nga. Những ngày đầu tiên trên đất Mỹ đầy thách thức với Ngọc Một thế giới mới khiến anh cảm thấy dường như cô độc.
Song thật may, anh đã được gặp rồi sống cùng hai vợ chồng người Mỹ gốc Philippines là ông Afred và bà Victoria Mayuman. Họ không có con, nên coi Ngọc như con ruột, như bù đắp cho anh phần nào tình thương ở nơi đất khách tha hương.
Tình cảm đó cùng với nghị lực của Ngọc đã giúp anh hoà nhập cuộc sống và hoàn thành xuất sắc chương trình THPT. "Hôm nào mình cũng ôm khư khư quyển từ điển rồi viết cả một tập dày các thẻ tra từ bằng giấy, đến nay chất đầy một vali".
Bằng sự miệt mài, Ngọc trở thành sinh viên VN duy nhất từ 17 năm nay thi đỗ và theo học cả hai khoa Toán - Lý, ĐH Austin (bang Texas). Anh vừa tham gia nhóm gia sư dạy cấp 3 cấp quốc gia (cấp cao nhất của Mỹ), vừa phải làm thêm việc rửa bát cho nhà hàng nhằm trang trải cuộc sống.
Ngay từ năm đầu tiên, anh đã trở thành gương mặt tiêu biểu hiếm hoi của khoa được trao học bổng. Hai mùa hè 2005 và 2006, thành tích của Ngọc đã được các giáo sư chú ý đề nghị tham gia vào hai công trình nghiên cứu khoa học Solid State (thể rắn, trạng thái rắn) và Cosmology (Vũ trụ học) của họ.
Anh đã luôn đứng ở tốp đầu trong số gần 1.300 sinh viên đến từ gần 50 quốc gia trên thế giới hoàn thành chương trình học trước 6 tháng, đồng thời đã được Hội HSG danh giá nhất nước Mỹ là Phi Betta Kappa (PBK) kết nạp vào hội viên.
"Khi anh đi qua một cây cầu mà có bản lĩnh tự chặt đứt nó để chỉ có thể đi lên phía trước, anh sẽ thành công", đó chính là triết lý sống, con đường Ngọc đã đi. Cuộc đời anh là dấu cộng của những cuộc chinh phục để giành phần thắng.
Một chân trời mới lại mở ra đầy cơ hội: Ngọc đã xin được học bổng toàn phần để làm luận án Tiến sĩ nghiên cứu về công nghệ nano (là ngành công nghệ liên quan đến việc thiết kế, phân tích, chế tạo và ứng dụng các cấu trúc, thiết bị và hệ thống bằng việc điều khiển hình dáng, kích thước trên quy mô nanomet (nm, 1 nm = 10-9 m)) tại ĐH tổng hợp Texas.
Bằng kế hoạch tỉ mỉ của mình, Ngọc sẽ phấn đấu hết sức để sau 6 năm, anh sẽ là một trong những tiến sĩ trẻ nhất VN (28 tuổi)...
(Còn nữa)
(Theo Lao Động)