Cũng nhiều lúc, mẹ Ngọc cũng khuyên cô nên có cái vốn nho nhỏ để dành sau này đi lấy chồng. Những khi ấy, Ngọc cũng chỉ ậm ừ cho qua bởi cho rằng cái thời chắt bóp từng đồng từng hào để gửi tiết kiệt, mua tiền vàng đã qua rồi. Cô chống chế: "Mẹ cứ xem mấy cô lớn tuổi ấy, tới giờ mới chịu tiêu xài, xúng xính áo quần, nhuộm tóc vàng hoe trông thật tức mắt. Con bây giờ mà không hưởng một tí thì sau này có tiền cũng chẳng làm gì".
Với nhiều bạn cùng lứa của Ngọc, họ cho rằng, tiền là hương là hoa, là vật chất để đem lại sự thoải mái cho mình. Lối sống tiêu xài "tới đồng lương cuối cùng" đã ngấm vào họ. Chẳng phải đợi tới khi có lương, có thưởng, ngày nào Hoàng Anh, đang làm thư ký, cũng lượn lờ mua sắm. Cứ thấy món đồ nào hay, cô mua ngay, chưa có tiền thì vay tạm bạn bởi "mình không mua ngay, nhỡ người khác mua mất, lúc có tiền nó lại không có nữa thì tiếc lắm".
Một cách giải thích khác cho sự xả láng ấy bởi họ cho rằng những đồng polymer như liều doping giúp họ xả stress, quên đi bao bực dọc trong công việc hàng ngày. Chính bởi thế, có những ngày nghỉ ở nhà, ngồi dọn lại phòng của mình, Ngọc cũng thấy ngỡ ngàng khi quá nhiều món đồ mình mua mà chưa dùng, chưa mặc lần nào.
Không chỉ mua sắm cho mình, họ còn sẵn sàng hào phóng bỏ tiền ra mua đồ cho cả nhà, cho bạn bè bởi "8X là không được ki bo". Tới tháng nào có thưởng, được món kha khá, Ngọc nhất quyết không cho đồng tiền phải chịu cảnh "nhàn rỗi", Hoàng Anh lập tức mua ngay một món đồ xa xỉ nào đó, không cho mình mà cho cả nhà nữa. Ngay chuyện sắm điện thoại cũng đã ngốn khá nhiều tiền bởi anh nghĩ "cái thời này, 6 tháng mà chưa đổi điện thoại" thì quá là nhạt nhẽo, vô vị.
Nhưng không phải ai cũng tiêu xài xả láng như thế, thế mà cuối tháng, họ vẫn hết sạch tiền. Còn có nhiều lý do rất tới cảnh khó khăn của họ như chuyện một số người quá nặng gánh gia đình, phải lo cho em học hành, cho bố mẹ già. Rồi cả chuyện mức lương thu nhập còn quá "hẻo" so với mọi chi phí tiêu dùng. Tiền xăng xe, cà phê, ăn sáng, đi chơi đã chiếm một khoản kha khá trong thu nhập của nhiều người. Có tới 2.800 người (chiếm 16,7%) độc giả của Ngôi Sao tham gia cuộc thăm dò ý kiến cho biết mức thu nhập của họ chỉ đủ những khoản vặt ấy. Cũng bởi thế, không chỉ Ngọc mà trong cảnh "hết tháng, hết tiền" còn là 7.083 độc giả của Ngôi Sao (chiếm 42%) khi tham gia cuộc thăm dò ý kiến về mức thu nhập của mỗi người.
Một lý do khiến những người như Ngọc chẳng phải bận tâm quá nhiều vì họ vẫn còn "hậu phương vững chắc" là bố mẹ đằng sau. Thậm chí nhiều người vẫn còn cần trợ giúp của bố mẹ ngay cả khi họ đã đi làm. Có khoảng 10% những người được hỏi (1.552 người) vẫn thấy thiếu thốn dù đã ra trường.
Tuy nhiên, không phải ai cũng như Ngọc, như Hoàng Anh. Dù lương chẳng phải quá cao, nhiều người vẫn để dành dụm được một khoản kha khá mỗi tháng. Từ cuộc thăm dò ý kiến của Ngôi Sao, có gần 30% độc giả (4.778 người) khẳng định cái ví của họ cũng có một khoản nhét heo đất hàng tháng.
Khi nhìn thấy những người biết dành dụm như thế, nhiều người lại tỏ ý "bất phục". Ngọc đã cười chế nhạo những cô bạn cứ vừa được ít tiền đã nhăm nhăm đi mua vàng để dành "cứ như mấy bà già ấy". Ngọc khó chịu khi bố mẹ đem những tấm gương ấy ra: "Tôi không thể chịu được chuyện thắt lưng buộc bụng như thế, sống khổ sống sở. Tuổi trẻ chẳng là mấy, không tiêu thì phí. Mà thật ra, với mấy đồng lương còm của tôi thì có tiết kiệm cũng chẳng biết bao giờ mới đủ tiền sắm những món to to. Thôi, cứ tiêu đi cho vui đời".
Không biết tích lũy như thế lại gặp đúng cảnh hậu phương là bố mẹ cũng gặp khó khăn thì lúc ấy, họ vướng như gà mắc tóc. Nhưng rồi, khi khó khăn qua đi, họ lại đâu vào đấy, vì "tiền còn kiếm ra được chứ niềm vui thì còn lâu".
B.M.