Nghiên cứu, được công bố trên tạp chí JAMA Oncology hôm 30/9, đã xem xét cấu tạo di truyền của các vi khuẩn trong miệng những người khỏe mạnh. Trong số hàng trăm loại vi khuẩn thường thấy trong miệng, 13 loài được chứng minh làm tăng hoặc giảm nguy cơ mắc HNSCC (ung thư biểu mô tế bào vảy đầu và cổ). Nhìn chung, nhóm này liên quan đến khả năng mắc ung thư cao hơn 30%. Kết hợp với năm loài khác thường thấy trong bệnh nướu răng, nguy cơ chung tăng 50%.
Tiến sĩ Soyoung Kwak, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: "Những vi khuẩn này có thể là dấu ấn sinh học để các chuyên gia đánh dấu những người có nguy cơ cao". Kwak hiện là nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Khoa Sức khỏe Dân số, Trường Y khoa Grossman thuộc Đại học New York.
Kwak cho biết các nghiên cứu trước đây đã phát hiện ra một số loại vi khuẩn trong các mẫu khối u của những người mắc HNSCC. Thời điểm đó, trong một đánh giá nhỏ năm 2018, nhóm nghiên cứu đã cố tìm hiểu cách vi khuẩn ở những người khỏe mạnh góp phần vào nguy cơ mắc HNSCC trong tương lai ra sao.
Nghiên cứu mới trên chỉ là một trong những phân tích đầu tiên xem xét liệu nấm thông thường, các sinh vật như nấm men và nấm mốc, cùng với vi khuẩn tạo nên hệ vi sinh vật trong miệng, có thể góp phần gây ra HNSCC hay không. Tuy nhiên, các phân tích không tìm thấy vai trò nào như vậy của các sinh vật nấm.
"Kết quả của chúng tôi cung cấp thêm một lý do nữa để duy trì thói quen vệ sinh răng miệng tốt", Richard Hayes, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết. "Đánh răng và dùng chỉ nha khoa không chỉ giúp ngăn ngừa bệnh nha chu mà còn có thể chống lại ung thư đầu và cổ".
Hayes hiện là giáo sư tại Khoa Sức khỏe Dân số tại Trường Y khoa Grossman thuộc Đại học New York và là thành viên của Trung tâm Ung thư Perlmutter.
Các tác giả nhấn mạnh rằng nghiên cứu được thiết kế để xác định mối tương quan giữa nguy cơ ung thư và một số loại vi khuẩn nhất định trong miệng, nhưng không phải để thiết lập mối liên hệ nhân quả trực tiếp. Điều này sẽ cần nghiên cứu thêm.
Hướng Dương (Theo Hindustan Times)