HLV Riedl. Ảnh: Minh Hải |
Lần này, bên cạnh Riedl tại Philippines không có người phụ nữ mà ông yêu. Do lo ngại tình hình an ninh cũng như quá tập trung cho công việc, ông Riedl đã không có người ‘thứ hai” ngồi cạnh mình hằng đêm như vậy bên quầy bar để đỡ cô đơn. Đến hôm nay, chỉ mới có đúng một tuần sang Philippines mà ông Riedl có vẻ trầm tư hơn rất nhiều. Vẫn còn đến hai tuần nữa tại Philippines, nếu chúng ta vào bán kết, ông Riedl sẽ tiếp tục “độc thoại” với chai bia hằng đêm như vậy.
Ông Riedl không phải là một người khó gần nhưng nếu để ý mới thấy, ông là người ít cười. Có lẽ vì vậy mà rất nhiều người của cánh phóng viên muốn đến ngồi cạnh ông để chia sẻ cũng khá ngại ngần khi tiếp chuyện vì sợ phá bỏ không gian yên tĩnh mà ông có trong ngày.
Có gần Riedl nhiều mới biết một điều, ông rất cởi mở và sẵn sàng nói mọi chuyện bên ngoài bóng đá trong trường hợp có… vợ ông ngồi bên cạnh. Dường như phải có bà ấy, ông Riedl mới thật sự là chính ông. Một người Áo lịch thiệp, kỹ tính và chu đáo.
Sự trầm lắng của Riedl cũng không ít lần thể hiện ra bên ngoài. Ví dụ như hôm qua, khi cả đội tuyển rời buổi tập trên sân trường, để lại mấy vỏ chai nước trên mặt cỏ, ông Riedl vẫn lặng thinh đi nhặt từng chai nước bỏ vào sọt rác. Ông giải thích: đừng nên làm ảnh hưởng đến người khác. Đấy là một phần tính cách của Riedl. Ông chấp nhận nhiều hơn phản đối. Ông không muốn làm ảnh hưởng đến người khác nhiều hơn là tự cho mình sự thoải mái. Cá tính đó đã không ít lần ảnh hưởng đến toan tính về chiến thuật của ông. Người ta hay nói, Riedl đã chọn điều gì rồi thì sẽ trung thành với nó. Có người nói khác: Riedl là một người bảo thủ. Cả hai ý kiến trên, vừa đúng mà vừa không đúng.
Sự bảo thủ của Riedl nếu có cũng xuất phát từ tính cách của ông mà thôi. Sự chuẩn mực luôn có trong người Riedl bất chấp điều đó đôi khi sẽ làm ông không thoải mái. Luôn có một khoảng cách nhất định giữa Riedl và những người khác, nó mang dáng dấp của sự lịch thiệp hơn là sự bảo thủ.
Có lẽ vì thế mà Riedl là HLV ngoại “sống” lâu nhất với bóng đá Việt Nam. Cái tính sẵn sàng chấp nhận mọi điều bất lợi, ít khi làm phiền lòng người khác của Riedl dễ tạo cho ông một cảm tình và sự yên tâm đối với những người cộng sự Việt Nam. Tuy nhiên, tính cách ấy không ít lần khiến ông bị chỉ trích như trường hợp trận chung kết Tiger Cup năm 1998 hay trận chung kết SEA Games năm 2003. Cả 2 lần đó, Riedl thất bại vì quá chuẩn mực khi sử dụng đội hình chính trong thi đấu.
Thôi thì… Riedl là vậy. Có điều những người như ông, cần nhận được sự cảm thông nhiều hơn ai hết. Cứ ở khách sạn Circle Inn hằng đêm nhìn ông cùng “chai bia cô đơn” mới thấy hết những nhọc nhằn của một HLV. Là Riedl trầm tĩnh, lịch thiệp, khép kín hay Calisto nóng nảy, hòa đồng, hay Tavares sôi nổi đi nữa thì mỗi lần họ đã làm việc đều để chúng ta nghiền ngẫm.
Có đi cùng các HLV nước ngoài mới thấy, những lúc ngồi cạnh những chai bia như vậy thật ra chưa phải là lúc họ nghỉ ngơi. Đấy là cách để họ vừa thư giãn vừa kiểm tra các cầu thủ của mình liệu có anh chàng nào bỏ phòng đi chơi không. Đây là việc mà đôi khi các HLV Việt Nam ít khi làm được. Đấy là một thực tế đã tạo nên một khoảng cách về sự tin cậy nhất định giữa HLV người nước ngoài và HLV người Việt.
(Theo Sài Gòn Giải Phóng)