Trao đổi với Ngoisao.net vừa qua, CEO Phan Hồng Minh cho hay công ty ông hiện xử lý nhiều đơn đặt hàng giúp việc theo giờ trong Tết Kỷ Hợi. "Chúng tôi đang điều động khoảng 250 nữ giúp việc tại mỗi điểm Hà Nội và Sài Gòn cho Tết", ông nói.
Từ tháng 12/2018, nhu cầu tìm lao động Tết đã tăng cao và người giúp việc dịp này được săn đón. Nhiều hộ gia đình sẵn sàng trả 1 triệu đồng mỗi ngày mồng 1, 2, 3 Tết mà vẫn "đỏ mắt" tìm người làm.
Với mức trả lên tới 1 triệu đồng một ngày, ông Minh tự tin đáp ứng được nhu cầu.
JupViec.vn là đơn vị tới nay kết nối thành công 3.000 nữ giúp việc với 60.000 gia đình tại Hà Nội, TP HCM, Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang, Bình Dương. Công ty này mới đây công bố thêm tính năng blockchain cho dịch vụ của mình (blockchain là một công nghệ mã hoá và bảo mật).
Tại lễ ký kết hợp tác với Infinity Blockchain Labs (IBL) ngày 23/1, CEO Minh cho hay công nghệ blockchain giúp minh bạch hóa dịch vụ, qua đó vừa bảo vệ quyền lợi người lao động, vừa tăng uy tín và kích cầu ngành giúp việc.
Trong một thị trường lao động bị xem là bấp bênh, người giúp việc dù được hứa hẹn lương cao đợt cao điểm thường đối mặt rủi ro như bị quỵt lương, hoãn lương hay trả lương thấp hơn đã thỏa thuận.
Trong khi đó, blockchain xây dựng cho họ hợp đồng thông minh, hồ sơ và lịch sử lao động số. Lương tự động chuyển đúng theo những gì ghi trong hợp đồng, mỗi khi công việc được hoàn thành.
CEO Minh sáng lập JupViec.vn với động lực biến giúp việc thành nghề ổn định như văn phòng và thay đổi định kiến "kém sang" về nghề này. Từng "săn lùng" giúp việc từ các công ty vệ sinh và nhà trọ, ông khẳng định lao động của mình là nhóm yếu thế. Việc blockchain lưu trữ nhân thân rõ ràng được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội cho người giúp việc tiếp cận các dịch vụ xã hội như vay tiền ngân hàng, y tế, giáo dục...
Đối tác IBL của ông cho biết "những gì lưu trữ trên blockchain là không thể chối bỏ". Việc họ đưa blockchain vào các lĩnh vực của đời sống còn gia tăng tính cạnh tranh và chuyên nghiệp trong các ngành nghề.
"Người giúp việc phải chịu trách nhiệm về chất lượng lao động của mình, vì có thể bị chủ nhà chấm điểm thấp và chủ nhà khác đọc được trên blockchain", giám đốc chiến lược vùng của IBL - Đỗ Văn Long - lý giải xu hướng mới.
Tương tự Grab hay Uber, JupViec.vn gọi lao động của mình là đối tác và lấy chiết khấu trung bình 20%. Cước dịch vụ giúp việc ngày thường công ty này đưa ra khoảng 50.000 đồng mỗi giờ.
Đợt Tết sắp tới, họ đề xuất giá dịch vụ mỗi tiếng là 100.000 đồng. Theo đó, nếu được thuê 8 tiếng một ngày, người lao động có thể hưởng thu nhập gần 1 triệu đồng trong ngày, chưa kể tiền lì xì từ các gia đình.
Ông Minh nói: "Chúng tôi không khẳng định chắc chắn nhưng có khả năng đáp ứng. Đặc biệt với mức trả 1 triệu đồng mỗi ngày, tôi tự tin có người". Theo vị CEO, vấn đề chính là nhu cầu thuê cần nối tiếp, chẳng hạn được xếp lịch làm 6 ngày xuyên Tết thì nhiều lao động sẵn sàng.
Thanh Tùng