Bóng đá nữ vô địch SEA Games 5 lần, đẳng cấp châu Á, đang đứng top 28 thế giới, vậy mà được đãi ngộ chỉ bằng một phần nhỏ của đội nam. Trong khi đội nam còn đang chật vật ở Đông Nam Á, chưa nói tới châu Á, nhưng về nước được đãi ngộ rất tốt, lương cao ngất, thậm chí có người lương hàng nghìn USD, trong khi các chị, những người mang về vinh quang, khi trở về nhà lại phải chật vật với cuộc sống mưu sinh, có người bán bánh mì, có người bán nước mía...
Treo giầy, nhiều nữ cầu thủ Việt Nam đeo đuổi nghiệp HLV, số khác “gõ đầu trẻ” hoặc kinh doanh và không ít người long đong lận đận kiếm miếng cơm manh áo.
Thu nhập của các nữ cầu thủ là câu chuyện buồn chẳng hề tương xứng với những tấm huy chương quốc tế mà họ mang về cho thể thao Việt Nam. Một cầu thủ nữ trung bình chỉ nhận lương khoảng 1-2 triệu đồng một tháng (1-2 năm trước thậm chí chỉ là vài trăm nghìn).
Trong 6 đội bóng nữ trong nước, thu nhập trung bình cao nhất đang thuộc về Than khoáng sản Việt Nam với mức lương 5 triệu đồng mỗi tháng cho cầu thủ trụ cột. Ở 5 đội còn lại, cầu thủ Hà Nội, TP HCM được xếp ở mức khá với mức thu nhập trung bình trên dưới hai triệu đồng. Số tiền các nữ cầu thủ của Hà Nam và đặc biệt là Thái Nguyên nhận có khi chỉ vài trăm nghìn một tháng. So với các nam cầu thủ, các cô gái làng áo số quần quật cả thời son trẻ, gửi cả môi son má hồng cho nắng, cho gió mà số tiền kiếm được ít đến thảm thương. Chẳng thế mà sau khi giải nghệ, các nữ cầu thủ phải làm đủ mọi nghề để mưu sinh.
Với những cầu thủ nổi tiếng, chọn việc có phần dễ dàng hơn cựu đội trưởng tuyển Việt Nam Bùi Thị Hiền Lương trang bị cho mình một tấm bằng Đại học, làm viên chức ở Tổng cục Thể dục thể thao. Thúy Nga, Bích Hạnh được làm việc ở VFF. Sẵn chân viên chức, bộ ba này từng sắm luôn vai trợ lý cho HLV tuyển nữ Việt Nam.
Cựu tiền vệ Quách Thanh Mai, người từng vô địch SEA Games 22 trên sân nhà cùng tuyển Việt Nam, từng đi phụ gia đình sửa chữa xe máy sau khi chia tay bóng đá. Cựu tiền đạo Bùi Tuyết Mai của đội Hà Nội đi bán mỹ phẩm kiếm sống qua ngày, rồi sau đó mở quán karaoke ở Hà Nội. Sau vài năm, Tuyết Mai thử sức trong vai trò một biên tập viên thể thao. Ở cương vị này, cô luôn cố gắng giúp đỡ các đàn em còn thi đấu.
Cựu đội trưởng tuyển Việt Nam Bùi Thị Hiền Lương chọn con đường học đại học để làm việc tại Tổng cục Thể dục thể thao. Cựu cầu thủ Thúy Nga, Bích Hạnh cũng làm việc ở VFF sau khi giải nghệ. Bộ ba này sau đó làm trợ lý HLV đội tuyển Việt Nam.
Ở TP HCM, tiền đạo nổi tiếng một thời Lưu Ngọc Mai và cựu thủ môn Kim Hồng tiếp tục theo đuổi tình yêu bóng đá với công việc trợ lý HLV trưởng đội nữ TP HCM. Trước khi làm trợ lý HLV đội tuyển Việt Nam, Kim Hồng thậm chí còn phải đi… bán bánh mì dạo.
Theo Lao Động