Thời kỳ đó, ốc Tây Hồ nhiều và ngon lắm, nhất là từ tháng giêng có mưa xuân, ốc đã béo và thời điểm đó cũng là lúc khách thập phương về phủ thắp hương Bà chúa Liễu. Bây giờ ốc hồ Tây đang cạn dần, người làm bún ốc phải đi xa về các vùng quê khác để mua ốc. Tuy nhiên, vẫn chưa có nơi nào có ốc ngon như ở hồ Tây. Theo các chủ hàng, có lẽ ốc ở Nam Định là khá hơn cả và hợp với khẩu vị của khách.
Để đáp ứng nhu cầu ẩm thực ngày càng sành điệu của người Hà thành, nên người làm bún ốc lúc nào cũng phải chú ý tới việc chế biến, nhằm tạo hương vị độc đáo, hấp dẫn khách ẩm thực lâu dài.
Theo Ẩm Thực Việt Nam, cách làm bún ốc rất cầu kỳ: Trước tiên phải chọn mua được ốc và các đồ gia vị chính hiệu, ốc phải sống. Chọn bún Phú Đô thứ thiệt. Khâu chuẩn bị nguyên vật liệu tốt chiếm tới 50% sự thành công. Phải chọn loại ốc quế, con ốc to trung bình, màu vỏ óng vàng, béo tròn, miệng đầy. Khi đưa ốc về, có nhà nhập hàng tấn ốc một lúc, vì vậy phải biết cách bảo quản để ốc luôn tươi sống. Giữ được ốc tươi lâu mà vẫn giữ được độ béo, miệng lúc nào cũng đầy là việc rất khó. Cách tốt nhất là đổ ốc xuống nền nhà rộng, thoáng mát, hàng ngày cho ốc ăn bồ hóng. Khi làm ốc, động tác đập vỏ cũng phải hết sức thận trọng, để tránh thịt ốc không bị giập nát. Sau đó đem bóp muối để khử các chất nhớt và tanh, rồi ướp với các gia vị cần thiết (không nên cho mỳ chính). Khi nào có khách ăn mới đổ ốc vào chảo để chiên mỡ cho vừa chín tới, vừa dậy mùi thơm, vừa mềm thịt...Tuyệt đối không được để lọt một tý nào phần thịt thâm cuối của ốc và phần ốc đang có trứng.
Nước dùng phải là nước sạch đã qua lọc cẩn thận, không được lấy nước trực tiếp từ giếng khơi, hoặc không được lấy nước máy còn mùi khử trùng hay chất sắt. Nước dùng càng trong càng ngon. Pha chế và cho gia vị cũng như các loại rau như lá lốt, xương sông, hành, răm, tía tô, húng Láng... cũng không được quá tiết kiệm. Nếu cho các loại đó không hợp lý, bát bún ốc sẽ không có hương vị đặc trưng. Trước khi bưng ra cho khách ăn, người làm hàng phải pha vào nồi canh một lượng dấm vừa đủ để khử mùi tanh của ốc. Còn một công đoạn nữa giúp cho bún ốc thơm ngon, ăn một lần nhớ mãi hương vị độc đáo hơn bún ốc ở các vùng khác là biết sử dụng một số dược thảo, mà chỉ có người vùng này biết.
Để bún ốc là đặc sản của riêng vùng Tây Hồ, người dân ở đây rất thận trọng khi mở hàng bán bún ốc. Nếu không phải là người bản địa bán bún ốc, chắc chắn sẽ không trụ lại được lâu. Bà con vùng này thường khuyến cáo những người từ nơi khác đến mở hàng kinh doanh bún ốc tại đây nếu muốn trụ lại được lâu dài, nên sử dụng những người bản xứ làm đầu bếp.