Ngày 24/7, mạng xã hội Trung Quốc lan truyền video một nam thanh niên nằm bất tỉnh trên mặt đất sau khi uống trà sữa. Nạn nhân được xác định là nam sinh 16 tuổi, ở thành phố Tư Dương, tỉnh Tứ Xuyên, bị sặc trân châu khi đang uống trà sữa. Sau khi được lực lượng cứu hộ sơ cứu và đưa đến bệnh viện, nạn nhân không còn dấu hiệu sinh tồn và tử vong sau đó. Theo Sohu, nguyên nhân được đưa ra là hột trân châu gây ngạt đường thở và không ngoại trừ khả năng bọt trà sữa sặc lên khí quản của nam sinh này.
Tại hiện trường, bên cạnh nạn nhân được cấp cứu là một cốc trà sữa có trân châu, phía trên có phần kem khá đặc đã tan chảy một phần. Đây là thương hiệu khá nổi tiếng ở Trung Quốc và một số quốc gia châu Á. Một nhân viên y tế cho biết khoảng 19h hôm đó, người dân phát hiện sự việc đã gọi cho 120 (đường dây cấp cứu ở Trung Quốc). Các bác sĩ ở bệnh viện nhân dân huyện Diên Giang, thành phố Tư Dương đã lập tức có mặt để sơ cứu nhưng nạn nhân đã qua đời.
Mạng xã hội đất nước tỷ dân xôn xao trước sự việc hy hữu này. Trà sữa trân châu là thức uống quốc dân, được người người nhà nhà "mê tít". Đồ uống này có xuất xứ từ Đài Loan, sau đó trở nên phổ biến khắp châu Á, nhất là ở các quốc gia Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Việt Nam... và cộng đồng người Hoa khắp thế giới. Nguyên liệu cơ bản gồm trà và sữa tươi.
Ra đời từ khá lâu, trà sữa đã có nhiều phiên bản với các hương vị và đủ loại topping, trong đó phổ biến nhất là trân châu. Hột trân châu dai, kích thước khoảng một cm. Người uống thường sử dụng ống hút dạng lớn để hút trà sữa và trân châu. Tuy nhiên, việc này cũng ẩn chứa nhiều hiểm họa. Với lực hút lớn, hạt trân chân có thể bị hút nhanh vào miệng, không qua lưỡi và được nhai nhuyễn nên dễ gây sặc và ngạt, đặc biệt ở trẻ nhỏ.
Qua sự việc này, nhiều chuyên gia Trung Quốc cũng cảnh báo người lớn khi cho trẻ em uống trà sữa hay các loại thức ăn, đồ uống rắn, kích thước lớn cần có kiểm soát và trông chừng, tránh gây tai nạn đáng tiếc. Ngoài trân châu, thạch cũng là thực phẩm khá nguy hiểm với trẻ em, từng gây ra không ít tai nạn tử vong.
Việc sơ cứu bệnh nhân bị sặc, ngạt đường thở bởi các dị vật khi ăn uống cũng được nhiều người quan tâm. Các chuyên gia cho biết khi gặp trường hợp tương tự, bạn có thể nhanh chóng áp dụng thủ thuật Heimlich. Đây là thủ thuật dùng tay người cứu hộ gây một áp lực mạnh trong đường dẫn khí để đẩy một dị vật, gây tắc khí quản ra khỏi đường hô hấp trên. Dị vật gây tắc khí quản thường xảy ra lúc đang ăn, sau khi cơm no, rượu say, sặc bột ở trẻ em.
Có nhiều cách áp dụng, trong đó, bạn có thể đứng sau nạn nhân, vòng tay ra phía trước (vùng thượng vị) nạn nhân, bàn tay phải nắm lại, bàn tay trái cầm lấy tay phải áp sát vào vùng thượng vị, giật mạnh vòng tay về phía cơ hoành từ dưới lên trên, có thể làm nhiều lần để dị vật rơi ra ngoài. Nếu nạn nhân nằm, bạn để đầu họ nghiêng về một bên, áp một tay vào vùng thượng vị, bàn tay kia đặt bắt chéo trên bàn tay dưới rồi đẩy mạnh từ bụng lên phía ngực.