Đúng vậy, trong tác phẩm này của Tim Bowler không chỉ có một mà có hẳn một chuỗi những điều lạ kỳ, huyền bí. Sự lạ lùng trong câu chuyện được bắt đầu không phải từ cậu bé của sông mà là từ ông nội của Jess và chuyện bơi lội.
Ông nội của Jess là người kỳ lạ khó hiểu và không tuân thủ một quy tắc nào. Ông có có tài năng thiên phú về hội hoạ. Ông vẽ dường như không ngừng nghỉ, không quan tâm tới danh tiếng, cũng không hy vọng vào tiền bạc, thứ mà dường như ông lúc nào cũng không có. Ông vẽ như một nỗi khao khát, như là điều tất yếu của sự tồn tại. Nếu một ngày nào đó, ông mất đi niềm khao khát làm việc thì thực sự sẽ là ngày kết thúc. Khả năng tập trung của ông rất kém, trừ những khi ông vẽ và ông cũng rất nóng nảy. Thế nên, chỉ xem Jess bơi được khoảng mươi phút là ông thấy chán ngấy và sốt ruột nhưng miệng lại nói "Cứ tiếp tục đi, Jess!". Ấy vậy mà không hiểu sao ông vẫn luôn thích đi cùng và xem cô bơi.
Ông cũng là một ông già bướng bỉnh và hay giận dỗi. Ông luôn nói rằng mọi thứ đều ổn, nhất là khi không phải như vậy. Bằng chứng rõ nhất là khi Jess định dừng bơi để lên bờ thì ông vội xua tay nói: "Không sao đâu, Jess. Cứ tiếp tục đi cháu". Nhưng liền đó, ông ôm chặt ngực và ngã xuống bể bơi.
Bị bệnh nặng, nhẽ ra phải ở lại bệnh viện điều trị thì sau ba ngày, ông cho rằng mình đã khá hơn rồi bắt taxi về nhà. Không những thế, ông còn khăng khăng giữ nguyên kế hoạch đi nghỉ của cả nhà.
Là một người luôn gạt bỏ quá khứ và luôn luôn coi thường việc nhìn lại những điều đã qua, như thể đó là một điểm yếu. Nhưng thật ngạc nhiên khi điểm đến cho kỳ nghỉ sắp tới mà ông chọn lại là Braymouth hẻo lánh - nơi ông đã từng sống hồi nhỏ. Điều này hoàn toàn không giống với tính cách của ông.
Tuy nhiên, điều lạ kỳ, huyền bí nhất chính bức tranh ông vẽ sau khi ở viện về. Tưởng như ông không còn đủ sức nâng cây cọ lên nữa nhưng ông đã cố gắng thức suốt đêm để thực hiện tác phẩm của mình. Và nó vô cùng khác biệt so với những bức bình thường của ông. Có một dòng sông choán hết khung cảnh bức tranh, nhưng không thể nhận ra đó là dòng sông nào và có lẽ đó cũng không phải một dòng sông trong đời thực mà chỉ là một dòng sông tưởng tượng.
Bức tranh lạ lùng và vô định hình, rất khác so với những bức tranh trước đó nhưng vẫn đẹp một cách kỳ quái. Hai bờ sông là một mảng màu xanh phảng phất, lẫn vào màu nước xanh xám và hướng về một đại dương ẩn khuất. Không động vật, không chim chóc, không con người, chỉ có chừng ấy. Dường như không có chỗ cho bất cứ sinh vật nào trong khung cảnh hẻo lánh này.
Vậy mà bức tranh lại có tên là "cậu bé của sông". Riêng việc bức tranh có cái tên không giống như nội dung của nó đã là một sự khó hiểu, lạ kỳ. Nhưng lạ hơn nữa là người hoạ sĩ già ấy chưa bao giờ đặt tên cho các bức tranh của mình. Ông chỉ vẽ ra và để mặc người khác hiểu chúng, nếu họ có thể. Thế nhưng bức tranh này lại có một tên, quả là không bình thường chút nào.
Bằng một mối quan hệ đặc biệt, Jess linh cảm rằng đây là tác phẩm rất quan trọng với ông nội, và vì một lý do nào đó, cũng rất quan trọng với cô. Do đó, trong lòng cô bật lên sự thôi thúc về việc tìm ra bí mật được ẩn trong bức tranh chưa hoàn thiện này.
Cô say sưa ngắm bức tranh và càng ngắm, cô càng cảm thấy rõ rệt sự hiện diện của cậu bé vắng mặt, cho tới khi sự hiện diện đó lấn át mọi thứ, lấn át hai bờ sông, bầu trời và thậm chí cả chính dòng sông và lôi cuốn cô vào bức tranh rồi hướng ra phía biển bằng một lực hút không gì cưỡng nổi.
Jess quyết tâm giúp ông hoàn thiện bức tranh của mình. Cô tin, đây chính là tâm nguyện cả đời của ông. Và sau khi trải qua nhiều khó khăn, nỗ lực, bức tranh đã hoàn thành. Tuy vẫn không có cậu bé nào ở đó. Nhưng Jess đã thật sự nhìn thấy cậu bé của sông. Cô đã được cậu bé dẫn dắt và tiếp thêm sức mạnh vượt qua mọi thách thức để thực hiện cuộc hành trình đặc biệt: bơi dọc theo chiều dài của con sông, từ ngọn nguồn của nó ra đến biển. Đây chính là mong ước đến ám ảnh của người ông. Nhưng sau khi cha mẹ mất, ông rời quê hương từ hồi bằng tuổi Jess nên vẫn chưa có cơ hội để thực hiện.
Và trước khi ông qua đời, Jess đã hoàn thành tâm nguyện của ông với một lòng thành kính và yêu thương vô hạn. Đó là yếu tố làm cho câu chuyện trở nên cảm động và thấm đẫm chất nhân văn.
Cậu bé của sông quả là một tác phẩm đa chiều, kỳ diệu. Nó đem lại nỗi buồn và niềm vui, sự đau đớn và hạnh phúc, mâu thuẫn và lô gíc, thực thực và ảo ảo… Tất cả là nhờ vào ngòi bút kỳ tài của nhà văn Tim Bowler. Ông được đánh giá là “bậc thầy của thể loại truyện tâm lý ly kỳ” và là “một trong những giọng văn đặc biệt nhất trong văn học dành cho tuổi teen ở Anh".
Cậu bé của sông được viết năm 1997 và đã giành giải thưởng danh giá Carnegie Medad. Tác phẩm đạt mọi tiêu chuẩn của một tác phẩm kinh điển, đưa độc giả vào một cuộc hành trình đặc biệt và có thể làm thay đổi con người.
Lê Hà Phúc