Thấy tình trạng ho ra tiếng kèn của con không giảm, người bố đưa bé từ Long An lên TP HCM để chữa trị. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, phải dùng đến kỹ thuật chụp ảnh có tái tạo 3D các bác sĩ mới phát hiện được nguyên nhân.

Lõi kèn được lấy ra khỏi phổi của bệnh nhi. Ảnh: B.S
Bác sĩ Bùi Đoàn Hải Linh, Khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết những kỹ thuật chụp phim phổi hoặc CT thông thường đã không cho thấy có dấu hiệu bất thường. "Mãi đến khi chúng tôi chụp CT có tái tạo 3D mới tìm ra nguyên nhân là chiếc lõi kèn nằm ở phổi bên phải", bác sĩ Linh nói.
Do hình dạng của chiếc kèn khá lớn nên các bác sĩ đã phải mất khá nhiều thời gian để nội soi gắp dị vật ra ngoài. Gần một tuần sau mổ, bệnh nhi đã không còn ho ra tiếng kèn và đường thở dần bình phục. Cu cậu thừa nhận trước đó có chơi thổi kèn nhựa và bị sặc nuốt vào trong.
Bác sĩ Nguyễn Tuấn Như, trưởng Khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết trong 2 năm qua bệnh viện tiếp nhận khoảng 10 ca dị vật phổi là chiếc lõi kèn đồ chơi. Ông Như cũng cho biết lõi kèn (hay còn gọi là lưỡi gà của cây kèn đồ chơi) khi lọt vào phổi sẽ phát ra tiếng khi ho khiến nhiều phụ huynh hoảng sợ.
"Không ít trường hợp phụ huynh đưa con đi khám nhưng không tìm được nguyên nhân bởi nếu chỉ chụp chiếu thông thường thì rất khó phát hiện. Đó là chưa kể dị vật đường thở thường khiến trẻ ho kéo dài không rõ nguyên nhân, dễ nhầm lẫn với triệu chứng viêm phổi, viêm đường hô hấp", bác sĩ Như nói.