Trụ T18 lúc đang thi công. |
Đó là Lê Quang Đức, 41 tuổi, nhóm trưởng của tốp thợ lặn chuyên nghiệp, trú tại 695 Trần Hưng Đạo, phường Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Những thợ lặn còn lại gồm: Nguyễn Văn Đông, 33 tuổi, trú tại 27/3 Hàn Mặc Tử, TP Quy Nhơn; Đặng Minh Tân, 21 tuổi; Vương Đình Lân, 29 tuổi, cùng trú tại phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn và Trần Văn Hải, 26 tuổi, trú tại 256, khu phố Thái Hòa, phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Tại cơ quan điều tra, nhóm người trên khai nhận những chi tiết bất ngờ. Chính Lê Xuân Trường, đội phó đội cầu số 5 thuộc Công ty xây dựng cầu 14 trực thuộc Cienco 1 (đơn vị thi công trụ T18), đã ký "hợp đồng" bằng văn bản hẳn hoi với tên Tú (ngụ tỉnh Đồng Nai) để thực hiện phi vụ động trời. Họ cắt ống vách thép của 20 cọc khoan nhồi thuộc trụ T18 (mỗi ống thép có đường kính 2m, dày 16 mm, cao khoảng 10m).
Theo "hợp đồng", Tú được trả số tiền công là 300 triệu đồng và giao cho nhóm thợ lặn của Lê Quang Đức thực hiện. Táo bạo hơn, đội phó Lê Xuân Trường còn phân công cho Nguyễn Như Toán, là kỹ thuật viên Đội cầu số 5 trực tiếp ra hiện trường để hướng dẫn cho nhóm thợ lặn cắt từng cọc. Nhóm người này dùng que hàn cắt ngang 2 đường phía trên, phía dưới và cắt dọc 2 đường của ống thép rồi dùng balan để tách ống vách thép ra khỏi cọc, giống như tách... vỏ khỏi thân cây.
Đợi đến đêm, họ buộc một đầu cáp vào ống vách thép để cho "kỹ thuật viên" Nguyễn Như Toán dùng cần cẩu đưa lên xà lan. Nhóm người này đã vạch kế hoạch khá chặt chẽ: tính toán cả lúc thủy triều xuống thấp nhất và cắt từ đó đến đáy sông để không bị phát hiện. Nhưng trong lúc nhóm thợ lặn vừa cắt xong 2 cọc và đang cắt tiếp cọc thứ 3 thì bị bắt quả tang.
Ngay sau đó, cơ quan công an đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp nhóm thợ lặn trên đồng thời thực hiện lệnh khám xét khẩn cấp đối với nhóm trưởng Lê Quang Đức. Khám xét phòng trọ của Đức tại số 6/7A Lê Thị Hồng Gấm, phường 6, TP Mỹ Tho và chiếc ghe chở phương tiện "hành nghề", công an đã thu giữ nhiều vật chứng. Đó là máy phát điện, máy bơm hơi để lặn dưới nước, 6 bình oxy, 100 kg que hàn, một số dụng cụ dùng để cắt ống vách thép và cả bản "hợp đồng" có chữ ký của "đội phó" Lê Xuân Trường cùng tên Tú.
Lê Xuân Trường (phải). |
Từ các chứng cứ trên, cơ quan công an đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với Lê Xuân Trường. Trường đã khai nhận việc "ký kết hợp đồng" với tên Tú để cắt hết ống vách thép của 20 cọc khoan nhồi (trụ T18). Trường cũng thừa nhận đã giao "nhiệm vụ" cho 2 kỹ thuật viên thuộc Đội cầu số 5 là Nguyễn Như Toán và Kim Văn Minh (lái cần cẩu) trực tiếp phối hợp cùng với nhóm thợ lặn cẩu các ống thép đưa từ dưới nước lên xà lan vào ban đêm.
Sau đó, các công nhân của Đội cầu số 5 thực hiện việc xẻ ống thép ra thành từng tấm nhỏ rồi chuyển vào bãi chứa vật tư của đội để chờ đem bán. Có tất cả 16 tấm thép (tổng cộng hơn 10 tấn) đã được cắt xong từ 2 ống vách thép của 2 cọc nhồi thuộc trụ T18. Tấm lớn nhất dài 4,5m, rộng 1,5m. Tấm nhỏ nhất dài 2,97m và rộng 1,92m.
Sau khi xảy ra vụ án trên, Công ty BOT cầu Rạch Miễu và Ban quản lý dự án giao thông 9 (thuộc Bộ Giao thông vận tải) đã khẳng định việc Lê Xuân Trường và nhóm thợ lặn thực hiện hành vi cắt ống vách thép của các cọc khoan nhồi (trụ T18) là sai. Tuy nhiên, giải thích với cơ quan điều tra, các đơn vị này cho rằng "ống vách thép cọc khoan nhồi là biện pháp thực hiện thi công, có tác dụng phụ trợ. Việc cắt ống vách thép trong thời điểm khi bê tông kết cấu thì không ảnh hưởng đến chất lượng công trình". Với câu trả lời trên, có thể hiểu rằng việc cắt ống vách thép cọc khoan nhồi là... không quan trọng, trái ngược với ý kiến của một cán bộ trong ngành rằng "các ống vách thép đó có chức năng chống va đập và chống xói mòn".
Vụ việc nghiêm trọng như vậy, nhưng không hiểu sao sau đó tất cả những kẻ vi phạm đều được thả ra. Theo một nguồn tin riêng, "đội phó" Lê Xuân Trường sau khi ra khỏi trại giam đã được điều động đến một đơn vị khác ở phía Bắc.
Sau khi xảy ra sự kiện trên, dư luận trong cán bộ tại địa phương, đặc biệt là trong các ngành nội chính, am hiểu pháp luật, rất bức xúc. Một kẻ trộm hoặc một người dân thiếu hiểu biết, vì lý do nào đó đã cắt dây cáp điện để bán lấy tiền có thể bị khép vào tội xâm hại an ninh quốc gia. Trong khi đó thì nhóm người trên đã trộm cắp hàng chục tấn thép và thực hiện hành vi phạm tội một cách chuyên nghiệp, có tổ chức, với đầy đủ phương tiện và liên quan đến công trình trị giá trên 1.000 tỷ đồng, lại nhanh chóng được "tha bổng", bị xếp hồ sơ và không bị khởi tố, sau khi bị bắt giam hơn 2 tuần.
(Theo Thanh Niên)