- Công việc bận rộn khiến chị thường xuyên vắng nhà. Chị rèn con tính tự lập ra sao để bé có thể xoay xở được mỗi khi không có mẹ ở bên?
- Cu Bom (tên ở nhà của con trai Cát Phượng) năm nay 14 tuổi và học lớp 7. Con được cái có ý thức cao. Biết mẹ cực khổ đi sớm về khuya nên Bom tự ăn, tự học, tự chơi. Những khi tôi bận, con ở nhà với hai người cô cũng đang đi làm. Nhiều khi Bom mải chơi game, các cô phải nhắc nhở để con không quá mải mê. Sáng dậy đi học, Bom tự ủi đồ và mặc đồ. Hôm nào mẹ ở nhà, Bom để đồ mẹ làm. Tôi biết không phải Bom mè nheo mà chỉ muốn được mẹ lo lắng. Ở nhà, các cô sẽ nấu cơm cho Bom ăn nhưng con cũng biết chiên trứng, cắm cơm và thích làm món sushi.
Khi Bom 8 tuổi, tôi bắt đầu uốn con từ từ. Tôi sẽ làm để con quan sát và học theo. Đến năm 10-11 tuổi, tôi mới cho bé tự làm dưới sự giám sát của mẹ. Bom hay nói với mẹ rằng con buồn vì không có ai chuyện trò. Bom nhút nhát vì ít được chia sẻ. Tôi cũng đi suốt. Thực ra, Bom không phải đứa ít nói. Trong những lần đưa con đi chơi cùng các bạn, tôi theo dõi thấy bé rất năng động, thích nói chuyện. Bom năm nay cao hơn 1m50 và nặng 40 kg nên trông rất lênh khênh.
- Những lúc có thời gian ở nhà, mẹ con chị thường cùng nhau làm những công việc gì?
- Bom hạnh phúc và vui lắm mỗi khi mẹ ở nhà. Thực ra, công việc bận hay không đều do mình sắp xếp cả. Tính tôi không tham lam, không nhận show nhiều để rồi bỏ bê Bom. Một tháng, tôi lọc ra 4 ngày để dành cho con trai.
Được nghỉ, tôi tranh thủ lau chùi, quét dọn nhà cửa rồi nấu cơm cho con ăn. Tôi thích làm những việc ấy. Hai mẹ con thường dọn dẹp cùng nhau, chẳng hạn tôi lau, còn Bom quét nhà; mẹ cọ nhà tắm, con đứng cầm vòi sen phụ. Mẹ con vừa làm vừa nói chuyện vui vẻ. Tôi hay hỏi han con đi học thế nào, ở lớp ra sao. Làm vậy để con thấy mẹ quan tâm và gần gũi. Tôi ở nhà hôm nào là Bom bám riết lấy mẹ hôm đó.
- Con đang ở vào tuổi 14 với nhiều thay đổi về tâm sinh lý. Chị làm cách nào để trò chuyện, chia sẻ và hiểu con hơn?
- Tối trước khi về phòng ngủ, tôi hay nằm với Bom. Tôi hỏi con có vấn đề gì, từ tâm sinh lý hay bất cứ chuyện khác, cứ nói với mẹ. Tôi hay dùng từ "mẹ là người am hiểu" tức mẹ hiểu hết để con yên tâm chia sẻ. Con muốn nói chuyện cùng mẹ với tư cách đàn ông, một người mẹ hay bạn, mẹ sẽ nói chuyện với con theo phong cách đó. Tôi luôn tạo cho Bom sự dễ chịu khi nói chuyện với mình.
Một lần, Bom khoe có bạn gái. Tôi không la ngay mà từ từ mới la (cười). Tôi nhắc con tuổi này là tuổi học thôi. Con học giỏi lớn lên con gái bu theo nhiều lắm. Bây giờ yêu, con học dở, người ta sẽ nói mẹ không biết dạy khiến con hư thì mẹ buồn lắm. Mẹ mà buồn sẽ dễ đột quỵ vì công việc nặng nhọc, đi sớm về khuya. Thấy mẹ nói vậy, Bom không thích nữa. Tôi bảo cháu sau này đến tuổi yêu, mẹ sẽ dạy cách làm quen bạn gái thế nào, hay tìm hiểu con gái ra sao.
Ở tuổi của Bom, những tình cảm khác giới là sự phát triển tâm lý bình thường nhưng nếu tôi không định hướng, con sẽ quá đà vào chuyện yêu đương. Tôi không thích như vậy. Yêu đương kiểu con nít bây giờ dễ sợ lắm. Hệ lụy từ việc này là tình trạng phá thai nhiều. Tôi cho Bom xem những hình ảnh thai bị bỏ. Con sợ và kêu người ta ác quá. Tôi bảo con không được như thế, vì đó là gây tội ác.
Ở lớp, Bom học khá nhưng tôi không kèm là cu cậu lơ là ngay. Bận công việc nhưng tôi luôn phải quan tâm và sát sao tới việc học hành của con. Con sắp thi, tôi động viên Bom đừng căng thẳng. Tôi không cần Bom học giỏi, chỉ cần lên lớp nhưng thằng bé muốn mẹ hãnh diện nên cố gắng.
Tôi có cách dạy con vừa thoáng lại vừa siết. Bọn trẻ ở tuổi Bom thường ngại chia sẻ vì không biết mẹ có hiểu mình không. Điều đó rất nguy hiểm. Mình là mẹ phải mở hướng cho con và làm bạn với con. Bom là đứa trẻ tình cảm và dễ khóc. Ra đường thấy người nghèo khổ, Bom khều khều mẹ xin tiền. Tôi bảo con muốn giúp người khác, phải học để có kiến thức mới làm ra tiền.
- Mối quan hệ hiện tại của Bom và bố, nghệ sĩ Thái Hòa, ra sao?
- Ông Hòa (cách gọi thân mật chồng cũ của Cát Phượng) thỉnh thoảng qua chở Bom về chơi với em Nê Mô (con chung của Thái Hòa với người vợ thứ hai). Tôi thấy rất vui vì con sẽ không cảm thấy cô độc. Dù thế nào chăng nữa, ngàn đời ông Hòa vẫn là bố của Bom. Ông ấy không qua thì tôi mới bực bội la, chứ quan tâm đến con là tôi tạo điều kiện. Rảnh là ông ấy tới chở Bom đi ăn rồi đón về ngủ chơi với em.
Hồi 9 tuổi, Bom có thắc mắc tại sao ba mẹ không sống chung. Tôi bảo con lớn thêm chút nữa, mẹ sẽ nói con nghe. Gần đây nhất là năm ngoái, ông Hòa chở bé Nê Mô qua chơi. Hai anh em chúng quấn nhau lắm. Lúc ông Hòa chở bé về, Bom buồn phát khóc. Nhìn dáng Bom, tôi biết con đang khóc. Tôi hỏi: "Sao con khóc, nói mẹ nghe". Bom bảo vì "con không có ba". Tự nhiên nước mắt tôi lăn dài. Tôi vờ gợi ý, nếu muốn Bom có thể về ở với ba và lâu lâu tới thăm mẹ nhưng con đáp: "Con không có ba nhưng con không muốn là ba Hòa". Ý Bom là tôi nên lấy chồng. Cu Bom xúi tôi làm đám cưới với Tuấn (diễn viên Kiều Minh Tuấn) hoài.
Những câu nói của con khiến tôi phải suy nghĩ. Bom muốn mẹ sinh em bé nhưng em bé phải ở chung nhà. Tôi giả vờ hỏi sinh với ai giờ, Bom nói "chú Tuấn đó". Bom suy nghĩ già lắm. Đôi khi con rất vô tư nhưng có lúc tôi lại thấy cháu già dặn. Tôi không nghĩ đó là suy nghĩ của một cậu bé 14 tuổi. Những đứa trẻ mồ côi hoặc bố mẹ ly dị thường trưởng thành hơn các em đầy đủ.
Lúc chia tay ông Hòa, tôi thương Bom lắm vì sợ con cô đơn. Khi ấy cháu mới 5-6 tuổi. Cái đêm ông Hòa lấy vợ, Bom khóc bảo mẹ đừng lấy chồng vì "con sợ bơ vơ". Trong mắt Bom, tôi lấy chồng là sẽ bỏ nó luôn. Tôi ôm con bảo: "Mẹ không lấy chồng đâu con, con không bơ vơ đâu". Nghe mẹ nói vậy, Bom yên tâm chạy tung tăng ra ngoài chơi. Tôi nghĩ nếu có đẻ em bé thì Bom vẫn là đứa tôi thương nhất. Con nào cũng là con và mình đều thương cả nhưng phải biết cách để chúng không thấy đơn độc.
Thực sự tới tận bây giờ, tôi không thấy có khó khăn gì khi phải một mình nuôi Bom. Có lẽ do tổ nghiệp thương nên công việc của tôi hết lại có. Nhờ vậy, tôi có tiền lo cho con. Tôi sợ nhất là con chạnh lòng khi thấy các bạn được cha mẹ đi đón sau giờ tan trường. Có lần tôi hỏi chuyện này, Bom nói không sao cả vì mẹ đón là vui rồi. Tôi sợ con buồn lại sa vào tệ nạn nhưng may mắn là Bom không như vậy. Tôi cũng lo con xấu hổ khi bạn bè hỏi về ba mẹ nhưng Bom có nói một câu: "Con bảo là ba mẹ ly dị, đâu có sao. Cuộc sống có ai được trọn vẹn nên con không buồn mấy chuyện đó. Miễn sao mẹ thấy quyết định ly dị của mình là đúng". Bom như một ông cụ non vậy.
- Chị chuẩn bị tâm lý cho cu Bom ra sao, trước khi quyết định bắt đầu mối quan hệ với người mới?
- Tâm lý từ tôi chứ không phải cu Bom. Tâm lý của Bom rất ổn. Con không bị chông chênh hay suy nghĩ gì cả. Bom còn mong cho mẹ đám cưới sớm nữa kìa. Tôi cũng không suy nghĩ nhiều chuyện Bom có đồng ý không. Chính con là người "đầu têu" cho tôi đến với Tuấn.
Cách đây vài tuần, Bom bảo: "Mẹ cưới chú Tuấn đi để con lớn có bạn chơi, còn mẹ có người chăm sóc". Đi học về đến nhà, câu đầu tiên Bom hỏi là: "Chú Tuấn đâu hả mẹ?". Thằng bé quấn quýt và thương Tuấn nhiều. Ông này (cách gọi thân mật bạn trai Kiều Minh Tuấn của Cát Phượng) hay chơi và dạy Bom ăn cơm phải cầm đũa làm sao hay cắt móng tay cho nó. Con nít suy nghĩ đơn giản nên thấy ai gần gũi, quan tâm, nó nghĩ là thương mình.
Có lần tôi hỏi: "Tại sao con thương chú Tuấn?". Bom trả lời: "Tại chú Tuấn thương con". Trong mắt Bom, chú Tuấn là người móc gỉ mũi kẹt cứng ra cho nó, là người tập cho nó biết đi xe. Tôi nghĩ cũng đúng, không có tình thương sẽ khó làm được vậy. Thời điểm ấy, ba Hòa lại ít qua. Mỗi khi đến chơi, ba ngồi chút xíu lại đi hoặc đưa iPad cho Bom chơi mà không hỏi han chuyện học hành. Bom kể ba không hỏi thăm, kiểm tra bài vở hay cắt móng tay cho con mà chơi xíu là về. Bom tinh ý và sâu sắc lắm.
- Con trai muốn mẹ làm đám cưới, chị định thế nào?
- (Suy nghĩ một lát) Có lẽ tôi không nghĩ tới cưới. Giờ tôi làm đám cưới cũng được, chắc cũng rầm rầm đấy nhưng tôi không thích như vậy. Số mạng của tôi không được cưới vì cưới là đổ. Nếu được, khi mối quan hệ của chúng tôi tròn 10 năm (hiện đã tròn 8 năm), tôi sẽ làm sinh nhật thật lớn và lấy đó làm ngày chính thức tuyên bố. Tôi không dám nói trước điều gì vì sợ nói trước bước không qua. Hơn nữa, tôi nghĩ đám cưới chỉ là hình thức. Nhiều bạn bè tôi cũng cưới nhưng sau đó chồng tự dưng trở mặt, kỳ lạ lắm. Nói về phật pháp thì kiếp trước người đó nợ mình bao nhiêu đấy thôi. Trả xong rồi là họ đi. Thôi cứ để họ đi, còn mình không trách. Tôi cũng mong đây là người mà cả hai mắc nợ nhau đến hết kiếp.
- Trong mắt chị, bạn trai kém tuổi là người thế nào?
- Tuấn tốt bụng, sâu sắc và quan tâm tới người khác, tuy có đôi khi vô tâm nhưng đàn ông mà (cười). Tuấn cũng nóng tính nhưng hai chúng tôi chưa bao giờ gây gổ lớn tiếng. Tuấn ít tuổi nhưng già dặn. Nói thật tâm, ở cạnh Tuấn, tôi tưởng nhỏ hơn nhiều tuổi tại cái cách suy nghĩ của anh quá già dặn. Tôi thấy vậy mà vô tư lắm. Trong công việc tôi chu toàn, tính toán bao nhiêu thì trong suy nghĩ, tôi đơn giản bấy nhiêu. Bên cạnh tôi giờ là hai người đàn ông nhỏ tuổi nhưng là hai ông già (cười).