![]() |
sd |
So với cô em út Lục Thị Linh, ca phẫu thuật cho Hai khó khăn hơn gấp nhiều lần. Bác sĩ Trần Vân Anh, Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu BV K, cho biết: "Khoa mổ đã dành 4 đường truyền ngoại vi, một đường truyền trung tâm, hỗ trợ hô hấp bằng đường mở khí quản... và 4.000 ml máu".
Theo bác sĩ Nguyễn Quốc Bảo, Trưởng Khoa Ngoại Đầu cổ BV K, người chịu trách nhiệm chính trong kíp mổ, bình thường khoa thực hiện khoảng trên 10 ca phẫu thuật mỗi ngày, nhưng riêng ngày 25/7, khoa đã tập trung lực lượng bác sĩ có chuyên môn cao để phục vụ ca phẫu thuật cho Hai. Cùng với bác sĩ Bảo còn có 3 bác sĩ Khoa Ngoại Đầu cổ tham gia mổ chính là bác sĩ Quảng, Chính, Quý và bác sĩ Cường mổ phụ. Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Bá Đức, Giám đốc BV K, cũng tham gia cùng kíp mổ. Bác sĩ Bảo kể, trước thời điểm phẫu thuật, ông căng thẳng và trằn trọc mất mấy đêm vì lo ngại sự khó khăn của ca phẫu thuật. “Nếu ca mổ không thành công coi như tương lai của các bệnh nhân đã gần như khép lại” , ông Bảo bộc bạch.
Lõi khối u không phải máu
Trở lại thời điểm ca mổ diễn ra, đúng 8h50, bác sĩ Bảo bắt đầu rạch mũi dao đầu tiên. Đến 9h40, bác sĩ Bảo và bác sĩ Chính vẫn đang tiếp tục thắt động mạch để chặn nguồn máu cung cấp cho các khối u trên mặt của Lục Thị Hai. 10h15, kíp mổ đã hoàn tất thắt động mạch cảnh ngoài (bên trái và bên phải) và bắt đầu đặt đường truyền tĩnh mạch trung tâm, để truyền máu và dịch phục vụ công tác gây mê hồi sức. Các mạch lớn được thắt, khối u đã bớt nóng.
Tiếp đó, một khoảng thời gian kéo dài khoảng gần một giờ, bác sĩ Bảo và các cộng sự bắt đầu bóc tách phần da trên mặt bao bọc các khối u. Do khối u quá lớn, để bóc tách được da mặt, bác sĩ Bảo phải chạy xung quanh bàn mổ. Đúng 11h15, các bác sĩ bắt đầu công phá khối u sau khi phía mặt trái nơi có khối u đã bóc toàn bộ phần da mặt. Thoáng một chút nghi ngại, bác sĩ Bảo nhanh chóng hội ý tại chỗ cùng kíp mổ xem bắt đầu từ điểm nào. Phương án được đưa ra là đục một điểm trên khối u đã được cả kíp mổ đồng ý.
Khác hoàn toàn với dự đoán ban đầu, trong khối u chủ yếu là chất dịch chứ không phải là máu. Ngay lập tức các bác sĩ đã huy động máy hút dịch và máu từ khối u, đồng thời nhanh chóng cắt bỏ các tổ chức gồm xương và thịt trong khối u. Bác sĩ Bảo cho biết, khi bắt tay vào “công phá” khối u, hút các chất dịch, ngay lập tức khối u xẹp bớt, phần xương trong khối u lộ ra và cho thấy những phần xương này xốp, một phần bị can-xi hóa, một phần mủn nát. Khối u chiếm tất cả các xoang của khuôn mặt bên trái, tràn vào vách mũi, vòm họng.
Mặc dù đã thắt động mạch cảnh ngoài nhưng vẫn còn nhiều mạch máu tân tạo nuôi khối u tiếp tục phun trào. Ngay lập tức, các chất liệu cầm máu đặc hiệu được sử dụng để trám vào vùng khối u. Vừa cắt bỏ tổ chức khối u, bác sĩ Bảo và các cộng sự phải liên tục dùng gạc thấm máu và dịch trong hốc mặt bệnh nhân. Tổng cộng, Hai đã mất lượng máu khoảng 2.500 ml và được truyền khoảng 2.000 ml máu.
Rồi niềm vui cũng đã đến, các bác sĩ trong phòng mổ đều thở phào nhẹ nhõm, bác sĩ Bảo cũng nở nụ cười thật tươi. Bởi lõi của khối u đã không chỉ là máu mà là một tổ chức hỗn độn và điều quan trọng đã không dẫn đến rối loạn đông máu.
Sau ca mổ, ông Lục Văn Quân nghẹn ngào nói: “Các con tôi có thể được chữa lành bệnh. Cảm ơn các giáo sư, bác sĩ đã làm thay đổi những số phận bất hạnh trong gia đình tôi”.
Đến 12h45, khối u đã được cắt bỏ hoàn toàn và bước vào giai đoạn khép lại vùng phẫu thuật và tạo hình. Ca mổ kết thúc lúc 14h30 sau khi bác sĩ Bảo và các cộng sự đã khép lại khuôn mặt và tạo hình ban đầu. Mặc dù bị khối u xâm lấn làm mất hết toàn bộ phần cứng tạo mũi, miệng, mắt và má bên trái nhưng các bác sĩ đã tạo hình chiếc mũi cho Hai và cắt bỏ phần da thừa. Khuôn mặt trước đây của Hai lúc này đã biến mất hoàn toàn. Khối u ước tính 7 kg to bằng đúng đầu của cô.
Sau ca phẫu thuật, bác sĩ Nguyễn Quốc Bảo hồ hởi chia sẻ: “Chúng tôi như trút được một gánh nặng. Đến giờ phút này, tôi có thể khẳng định ca mổ đã thành công”. Ông cũng cho biết thêm, sau khi phẫu thuật dù chưa thể tạo hình ngay được khuôn mặt như bình thường nhưng bệnh nhân có thể ăn uống dễ dàng hơn và rất có thể sẽ thở lại bằng đường mũi. Mắt trái bên khối u đã không còn khả năng nhìn nhưng được giữ lại để tạo hình khuôn mặt.
Bác sĩ Trần Vân Anh phấn khởi cho biết, 24 giờ sau khi phẫu thuật, bệnh nhân Hai sẽ tỉnh và khoảng 20 ngày sau sẽ được mở khí quản. Lúc đó, Hai có thể ăn, nói bình thường.
Bác sĩ Nguyễn Quốc Bảo cho biết, trường hợp gia đình ông Lục Văn Quân có 5 người con mắc căn bệnh loạn sản xơ xương hàm và răng là đặc biệt hiếm hoi trên thế giới. Y văn cũng chỉ ghi nhận bệnh lý mà chưa thể thông tin về diễn biến của khối u sau khi phẫu thuật có phát triển hay không, hoặc phát triển mức độ nào. Do vậy, nếu đầu tư điều trị và nghiên cứu, trường hợp này sẽ là đề tài khoa học hữu ích và hấp dẫn. Bởi đây là loại bệnh về gien rất khó tìm nguồn gốc gây bệnh, vì thế mọi yếu tố khoa học xung quanh căn bệnh đều mang ý nghĩa khoa học có giá trị.
(Theo Người Lao Động)