Ngày 8/1, Vườn thú Thiên Tân lên tiếng về thông tin lan truyền trên mạng liên quan đến việc nuôi chung đười ươi và capybara. Theo đại diện sở thú, hai con vật này được nuôi cùng nhau từ ngày 16/10/2024 với mục đích làm giàu môi trường sống, nhưng đến ngày 3/1/2025, chúng đã bị tách ra để đảm bảo an toàn. Sở thú thừa nhận đã xảy ra những tình huống không mong muốn và cam kết điều chỉnh để tránh sự cố tương tự trong tương lai.
Trước đó, đoạn video cho thấy capybara bị đười ươi kéo lê và nhấc bổng tại khu nuôi chung ở vườn thú được lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc. Trong video, con đười ươi treo ngược mình, tóm lấy chân capybara và kéo nó dọc theo mặt đất. Mặc dù capybara cố gắng vùng vẫy, đười ươi đã giữ chặt và không để nó thoát ra. Những cảnh này khiến nhiều người lo lắng rằng capybara đang bị "bắt nạt" và có thể bị tổn thương cả thể chất lẫn tinh thần.
Nhiều người chỉ trích cách quản lý của vườn thú, đặt câu hỏi về việc liệu các nhân viên có đủ chuyên môn để đánh giá hành vi của động vật hay không. Một số người bày tỏ sự bất bình và cho rằng việc nuôi chung hai loài động vật hoàn toàn khác nhau về bản năng và hành vi là một sai lầm.
Chuyên gia động vật họcYang Yi, sau khi xem các đoạn video, cho biết capybara thực sự bị đười ươi bắt nạt. Theo ông, con đười ươi trong video chỉ khoảng 3-4 tuổi, tương đương một đứa trẻ 7-8 tuổi, trong khi capybara chỉ mới một tuổi và cũng đang ở giai đoạn chưa trưởng thành. Ông cho rằng đười ươi đã coi capybara như một món đồ chơi, mà không nhận thức được các hành vi như nhấc bổng hay kéo lê có thể khiến capybara cảm thấy đau đớn và hoảng sợ.
Yang Yi giải thích hành vi chơi đùa của loài linh trưởng thường không có giới hạn rõ ràng, đặc biệt khi chúng không nhận ra sự khác biệt về cơ thể và cấu trúc xương của loài khác. Trong khi cơ thể của loài linh trưởng rất dẻo dai, capybara thuộc bộ gặm nhấm và có cấu trúc xương khác biệt, không thể chịu được những hành vi tương tự. Ông cũng chỉ ra rằng trong tự nhiên, đười ươi và capybara sống ở hai môi trường hoàn toàn khác nhau: đười ươi chủ yếu sống đơn độc trong các khu rừng mưa nhiệt đới Đông Nam Á, còn capybara là loài sống theo bầy đàn ở đồng cỏ và vùng đất ngập nước Nam Mỹ. Nếu không phải vì sự can thiệp của con người, chúng sẽ không bao giờ gặp nhau.
Về lý do nuôi chung hai loài này, đại diện vườn thú giải thích đó là một hình thức "làm giàu" - thuật ngữ được sử dụng trong các vườn thú để mô tả việc thay đổi môi trường sống của động vật nhằm kích thích hành vi tự nhiên và giảm sự nhàm chán trong điều kiện nuôi nhốt. Tuy nhiên, theo ông Yang Yi, việc làm giàu xã hội, cụ thể là nuôi các loài động vật chung một không gian cần được thực hiện rất cẩn trọng.
Ông nhấn mạnh rằng các loài động vật được nuôi chung cần có sự tương đồng về môi trường sống tự nhiên và hành vi xã hội. Ví dụ, các loài sống ở đồng cỏ châu Phi như ngựa vằn, linh dương đầu bò và đà điểu có thể được nuôi chung hoặc các loài sống trong rừng mưa như lười, khỉ đêm Brazil và chim toucan. Quan trọng nhất, các động vật được nuôi chung phải không thuộc chuỗi thức ăn của nhau và không gây xung đột trong việc tiếp cận thức ăn. Trong trường hợp này, đười ươi và capybara không có sự tương đồng về môi trường sống cũng như hành vi xã hội, dẫn đến kết quả không mong muốn.
Phạm Linh (Theo The Paper)