Sau khi phía 178 có một số "can thiệp nhỏ", anh Khoa lại gọi điện được, nhưng chỉ vài ngày sau là tình trạng cũ lại tái diễn. Sau nhiều lần tái diễn, anh Khoa mới biết sự cố không phải do nhà cung cấp dịch vụ 178 gây ra mà là do... Bưu điện Long Xuyên - đơn vị thuộc VNPT và quản lý đường truyền tại địa phương.
Tại Khánh Hòa, Công ty TNHH Sao Đại Hùng bị trục trặc số tổng đài điện thoại, nhân viên công ty gọi điện đến dịch vụ chăm sóc khách hàng 119 để báo sửa thì Bưu điện Diên Khánh trả lời là Công ty Sao Đại Hùng không sử dụng dịch vụ của bưu điện nên không được ưu tiên và hiện không có cáp.
Trước đó, nhân viên Bưu điện Khánh Hòa cử nhân viên đến Công ty Sao Đại Hùng đề nghị ký hợp đồng sử dụng dịch vụ 171 nhưng bị công ty này từ chối vì họ đã sử dụng dịch vụ 177 của Saigon Postel.
Quá bực mình vì sự cố này, Sao Đại Hùng gửi đơn kiện tới khắp nơi thì khoảng một tuần sau nhân viên bưu điện đến sửa tổng đài cho công ty. Tuy nhiên, dù tổng đài được sửa nhưng không ít khách hàng vẫn phàn nàn vì không gọi điện được tới công ty trong nhiều ngày.
Mặc dù biết khách hàng của mình phải khổ sở như vậy, 2 công ty Viettel và Saigon Postel cũng không dám ho he gì. Một lãnh đạo của Viettel nói: "Chúng tôi có bằng chứng rõ ràng về việc một số bưu điện tỉnh sử dụng các biện pháp kỹ thuật làm các đầu máy cố định không gọi được dịch vụ 178 mà chỉ gọi được 171.
Thế nhưng chúng tôi mà đưa ra thì lại còn gặp rắc rối hơn bởi họ có vô số các trò khác khiến chúng tôi phải khóc dở mếu dở. Một lãnh đạo của Viettel một lần phát biểu chỉ trích về việc này đã phải chuyển sang làm công tác khác, không được đàm phán trực tiếp với các bưu điện vì bị họ coi là có vết".
Một lãnh đạo cấp cao của Saigon Postel nói với Thanh Niên: "Tôi không bao giờ dám nói cạnh tranh với họ (chỉ VNPT), bởi họ mà tức giận thì chúng tôi chỉ có nước ngồi khóc. Tôi không dám nói gì nữa, tôi còn phải nhờ họ nhiều mà. Thôi. Cho tôi xin".