Mỗi ngày chỉ có một chuyến xe khách chạy tuyến này. Trong khi đó, với khách Tây balô thì đây là tuyến mới, lý tưởng để... cuốc bộ xuyên rừng. Còn dân nhiếp ảnh thì gọi đây là thiên đường của ruộng bậc thang. Có thể nói, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì đẹp nổi tiếng nhất miền Tây Bắc.
Hoàng Su Phì, cái nhánh đất thuộc cao nguyên đá Hà Giang nhưng lại có cấu trúc địa hình đỡ khắc nghiệt hơn hướng Đồng Văn, Mèo Vạc. Ở đây, ít những đồi núi đá tai mèo; đất đai phì nhiêu hơn. Nhưng thế đèo núi thì không kém phần hiểm trở. Suốt hơn 60 cây số, phải vượt qua hai cổng trời. Chiếc xe máy thuê cứ rè lên từng hồi khét lẹt khi những đám mây chùng thấp trên đầu.
Thời tiết ở mạn cao này trung bình 18-20 độ, quanh năm sương mù nên người dân có thể trồng được cây chè rất ngon. Loại chè này đặc biệt khi sao xong, lá và búp thường có những đốm trắng, gọi là chè tuyết, uống hơi chát nhưng vị ngọt hậu, đằm và hương thơm sâu. Giá khoảng 70.000 đồng/kg. Nhưng với những vị khách qua đường ở những quán cóc có thể được những người dân hiếu khách mời dùng chè tuyết miễn phí. Hít hà hương vị chén chè tuyết trong cái lạnh buốt chiều về lưng đèo, cảm nhận phần nào không gian sơn cước bạt ngàn.
Trên đường đi qua đèo Nậm Ty, anh Đỗ, một lính biên phòng giới thiệu về cây Ngọc an, một loại cây nhỏ phát triển mạnh phần rễ, rất thơm, mùi thơm có thể xua đuổi được cả muỗi, rắn rết. Giá 80.000-100.000 đồng/kg. Ngọc an được bán trên những quán cheo leo đỉnh đèo.
Nhưng điều cảm thấy lạ lùng là con sông Chảy vừa phát xuất từ đỉnh Nậm Dịch đi được vài mươi eo núi đã phải nuôi sống biết bao con người, bản làng Tày, Mông. Người Tày ngày nay theo sông gom đá bán kiếm tiền. Người Mông thì đi bắn cá vào những mùa nước lớn. Cậu bé Mông 11 tuổi có thể bắn bằng phương pháp thủ công: lặn và dùng cung ngạnh tự chế để bắn vài ký cá trong một buổi sáng. Sông Chảy có độ dốc lớn, nơi sinh sống của loài cá bống núi nhỏ bằng ngón tay, thịt ngọt và chắc, chiên hoặc nướng lên ngon hết biết. Thực đơn ở quán Trung Hà - trung tâm Hoàng Su Phì còn có món cháo tẩu. Tẩu là một loại củ rừng độc, ăn sống có thể chết người. Nhưng nấu cháo thì ngon toát mồ hôi hột. Dĩ nhiên, với dân miền xuôi quen an toàn thực phẩm thì có thể vừa ăn món ngon vừa nhấp chén rượu sắn của người Tày để ngất ngất coi cái đời cũng nhẹ tựa mây...
Chiều xuống. Những đám mây chùng trên đầu. Nhưng những vệt nắng lưng đèo vẫn soi xuống những ruộng bậc thang vằn vện nhiều sắc màu. Hoàng Su Phì hiện lên vẻ đẹp hồn nhiên và diễm lệ như một thiên đường ẩn hiện trong mây. Những khoang ruộng hoa cải vàng ươm nối với thảm lúa xanh non, lại tiếp giáp với mấy vành đai nước chảy loang xuống chân ngọn đồi đẹp như tranh. Đến tháng 9-10 là mùa thu hoạch, những ruộng bậc thang ở trên cung đường này là những bức tranh thiên nhiên tuyệt vời của Tây Bắc. Nhiều nhóm nhiếp ảnh lên đây nằm vùng săn tìm cảnh đẹp mà quên về...
Thời gian ở Hoàng Su Phì trôi bằng tiết tấu chậm chạp và bình yên của một miền sơn cước vừa mở cửa hướng ra ngoài. Cả thị trấn có hai khách sạn tư nhân (Hoàng Anh, Thuận An) quanh năm đón chủ yếu là khách Tây balô đến khám phá văn hoá, thiên nhiên bản địa và những đoàn cán bộ đi công tác, nghiên cứu đầu tư du lịch. Chị Lan, mở nhà khách Hoàng Anh từ 5 năm nay cho biết, mỗi tháng khách sạn 10 phòng của chị đạt doanh thu 10 triệu đồng. Gần đây những đoàn khách balô xuyên rừng đến rất đông. Có hôm kẹt phòng, phải cho khách ở chen chúc. Chị còn cho biết sắp tới sẽ có nhóm doanh nghiệp TP HCM đến đây làm dự án về một khu du lịch lớn.
Buổi sáng, người dân tộc Tày, Mông, Nùng kéo nhau từ các bản về bán măng, rau, gà, vịt trước con đường chừng 1 km xuyên thị trấn. Cách đây 3 năm, ở bản Péo, bản Phùng, nghe nói người La Chí còn tục sinh con mang ra chợ bán với giá mỗi đứa 1-2 triệu đồng. Ngày nay, cái khổ không làm cho những "chị Dậu vùng cao" đi bán con. Nhưng cái cảnh những đám người thiểu số sáng sáng ra chợ bán nạm cải vài nghìn đồng cứ thập thò ngại ngần trước những quầy tạp hoá lại khiến cho đôi mắt Hoàng Su Phì vẫn ẩn sâu một nỗi buồn khó tả. Dù vậy, du khách vẫn phải xuýt xoa trước cảnh đẹp, hương vị của những món ngon hay sản vật lạ của một chốn đèo mây.
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)