Tất cả chúng ta đều có thể cảm thấy căng thẳng. Đây là trải nghiệm phổ biến ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi, giới tính và hoàn cảnh. Tuy nhiên, căng thẳng ở phụ nữ có thể không được phát hiện dễ dàng vì họ có xu hướng biểu hiện và trải nghiệm các triệu chứng khác với nam giới.
Nguyên nhân gây căng thẳng ở phụ nữ
Căng thẳng thường do nhiều yếu tố bên ngoài và bên trong gây ra. Ví dụ, phụ nữ có thể phải đối mặt nhiều tác nhân gây căng thẳng liên quan đến công việc, chẳng hạn giờ làm việc dài, khối lượng công việc lớn, xung đột với đồng nghiệp hoặc cấp trên và thiếu kiểm soát với các nhiệm vụ công việc. Họ có thể có thêm gánh nặng về tài chính do thu nhập thấp, mất việc làm và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.
Các vấn đề về gia đình và mối quan hệ, chẳng hạn trách nhiệm chăm sóc, xung đột và thách thức trong việc nuôi dạy con cái, cũng là nguyên nhân gây căng thẳng ở phụ nữ. Chấn thương do các sự kiện như ly hôn, bệnh tật và mất mát cũng có thể dẫn đến vấn đề tâm lý. Và tất cả tác nhân kích thích từ môi trường này đều có thể kết hợp các yếu tố nội tiết tố như mãn kinh gây ra căng thẳng.
Các loại căng thẳng ở phụ nữ
Phụ nữ có thể trải qua nhiều loại căng thẳng và có khả năng nhiều hơn một loại cùng lúc:
- Căng thẳng cấp tính: là loại căng thẳng ngắn hạn phát sinh do phản ứng với một sự kiện cụ thể, chẳng hạn thời hạn công việc hoặc tắc đường.
- Căng thẳng cấp tính theo từng đợt. Loại này xảy ra khi một người trải qua nhiều đợt căng thẳng cấp tính liên tục.
- Căng thẳng mãn tính: tình trạng dài hạn xảy ra khi một người trải qua những tác nhân gây căng thẳng liên tục, quá mức mà họ cảm thấy không thể kiểm soát.
Các triệu chứng stress ở phụ nữ
Các triệu chứng căng thẳng có thể được chia thành hai loại về thể chất và tinh thần. Những triệu chứng vật lý của căng thẳng gồm:
- Đau đầu.
- Căng cơ hoặc đau.
- Các vấn đề tiêu hóa như đau dạ dày, buồn nôn hoặc tiêu chảy.
- Mệt mỏi hoặc uể oải.
- Thay đổi cảm giác thèm ăn, có thể tăng hoặc giảm.
- Mất ngủ hoặc các vấn đề khác về giấc ngủ.
- Nhịp tim nhanh hoặc hồi hộp.
- Đau hoặc tức ngực.
- Tăng nguy cơ mắc cảm lạnh, cúm hoặc các bệnh nhiễm trùng khác.
- Thay đổi hoặc bất thường về kinh nguyệt.
Các triệu chứng tinh thần khác của căng thẳng mãn tính gồm:
- Lo lắng, bồn chồn.
- Cáu kỉnh, tức giận.
- Khó tập trung hoặc đưa ra quyết định.
- Cảm thấy choáng ngợp hoặc không thể đối phó.
- Lòng tự trọng thấp hoặc cảm giác vô giá trị.
- Trầm cảm, buồn bã.
- Tâm trạng thay đổi.
- Rút lui hoặc cô lập xã hội.
- Thay đổi cảm giác thèm ăn hoặc giấc ngủ.
- Lạm dụng chất gây nghiện hoặc các cơ chế đối phó không lành mạnh khác.
Tác động của căng thẳng đến sức khỏe phụ nữ
Tác động tổng thể về thể chất và tinh thần do căng thẳng mãn tính có thể gây ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe phụ nữ theo nhiều cách, gồm:
- Các vấn đề tim mạch. Lượng cortisol tăng do căng thẳng mãn tính có thể làm tăng huyết áp và mức cholesterol, do đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và các vấn đề tim mạch khác.
- Các vấn đề tiêu hóa. Phản ứng căng thẳng có thể ức chế quá trình tiêu hóa để tiết kiệm năng lượng, gây ra các vấn đề như hội chứng ruột kích thích (IBS), loét dạ dày và trào ngược axit.
- Các vấn đề sinh sản. Căng thẳng kéo dài có thể dẫn đến kinh nguyệt không đều, vô sinh và mãn kinh sớm. Căng thẳng mãn tính có thể làm tăng nguy cơ biến chứng thai kỳ như sinh non và trẻ sơ sinh nhẹ cân.
- Hệ thống miễn dịch suy yếu. Vì phản ứng căng thẳng ức chế các chức năng bình thường của cơ thể, nó có thể khiến phụ nữ dễ bị nhiễm trùng và mắc bệnh hơn.
- Sức khỏe làn da kém. Căng thẳng có thể làm trầm trọng thêm các tình trạng như mụn trứng cá, bệnh chàm và vẩy nến.
Cách kiểm soát căng thẳng
- Tập thể dục thường xuyên có thể giúp giải tỏa căng thẳng và cải thiện tâm trạng nhờ giải phóng endorphin, chất hóa học tự nhiên giúp cơ thể cảm thấy thoải mái.
- Các kỹ thuật thư giãn như bài tập thở sâu, thiền và yoga có thể giúp giảm mức độ căng thẳng và thúc đẩy sự thư giãn.
- Quản lý thời gian: ưu tiên các nhiệm vụ và đặt ra mục tiêu thực tế có thể giúp giảm cảm giác choáng ngợp và căng thẳng.
- Dành thời gian cho những người thân yêu, tham gia các hoạt động mang lại niềm vui để giảm mức độ căng thẳng, thúc đẩy cảm giác hạnh phúc và gắn kết.
- Tự chăm sóc: dành thời gian cho bản thân để thực hiện các hoạt động mang lại niềm vui và thư giãn, chẳng hạn đọc sách, tắm hoặc massage.
- Thói quen, lối sống lành mạnh: ăn uống cân bằng, ngủ đủ giấc, tránh tiêu thụ quá nhiều rượu và caffeine có thể giúp giảm mức độ căng thẳng và tăng cường sức khỏe tổng thể.
Bằng cách áp dụng những mẹo này vào cuộc sống, bạn có thể thấy mức độ căng thẳng của mình cũng như các triệu chứng đi kèm giảm đáng kể.
Làm thế nào để giảm căng thẳng mãn tính?
Giảm căng thẳng mãn tính là một thách thức, nhưng xác định nguồn gốc có thể là bước đầu tiên để phục hồi. Một cách đơn giản để làm điều này là viết nhật ký để bạn có thể phát hiện bất kỳ tác nhân hay mô hình căng thẳng nào xuất hiện. Điều đó giúp bạn hiểu rõ hơn về nguyên nhân gây ra căng thẳng mãn tính của mình.
Ngoài ra, hãy thử kết hợp các kỹ thuật thư giãn vào cuộc sống hàng ngày của bạn, ưu tiên bản thân và tham gia các hoạt động mang lại niềm vui.
Để giảm căng thẳng mãn tính lâu dài, điều quan trọng là phải đặt ra ranh giới và hiểu rằng bạn có thể nói không với các mục tiêu thiếu thực tế. Làm như vậy sẽ giúp giảm cảm giác căng thẳng và ngăn bạn trở nên quá tải.
Điều quan trọng là phải tìm kiếm sự trợ giúp chuyên nghiệp nếu bạn thấy rằng căng thẳng mãn tính đang ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của mình. Một chuyên gia sức khỏe tâm thần có thể cung cấp cho bạn sự hỗ trợ và các công cụ bạn cần để lấy lại quyền kiểm soát.
Hằng Trần (Theo Echelon Health)