- Anh là người đầu tiên đưa cả mì tôm, ổi, cóc, me vào bài hát nhưng gần đây khán giả lại thấy anh chuyển sang viết hip hop hoàn toàn trái ngược với những ca khúc “bình dân” trước đây. Vì đâu có sự chuyển hướng đột ngột như vậy?
- Mì tôm, me, cóc ổi là bình dân ư? Tôi nghĩ những thứ đó là sang đấy. Những thứ gắn bó với ta một tuổi thơ và ngay khi ta lớn lên, tại sao lại chối từ nó chứ. Bạn tôi, Tiếng rao, Xích lô là chùm bài hát
gắn bó với tôi một thời sinh viên. Bây giờ cảm xúc ấy không bao giờ trở lại thì làm sao mà viết được. Nhưng với riêng tôi, 3 bài hát ấy tôi trân trọng nó như mẹ của mình, không dễ gì mà viết được như vậy. Theo quan niệm của tôi, sáng tác là một con đường phải đổi mới liên tục, tôi không chấp nhận cứ theo mãi một phong cách?
- Hip hop là thể loại rất khó áp dụng tại VN, nếu sáng tác không khéo rất dễ phản cảm. Sáng tác ở thể loại này anh đã gặp phải những trở ngại như thế nào?
- Hip hop cũng như hàng chục thể loại âm nhạc khác, cũng có nguyên tắc chung của nó. Nắm rõ nguyên tắc rồi thì sẽ làm được thôi. Điều quan trọng là phải nhất quán từ khâu phối âm đến sáng tác. Bây giờ bắt tôi phối một ca khúc của người khác theo hip hop thì mức độ thành công khó hơn là phối bài của chính mình.
Khó khăn nhất khi làm hip hop ở VN không phải nằm ở khâu kỹ thuật mà là ở sự khác nhau giữa hai nền văn hóa. Hip hop là sự bộc bạch mạnh mẽ, thẳng thắn trong khi văn hóa người Việt là sự lễ phép, nhã nhặn, trầm lắng nhiều khi muốn nói điều gì cứ phải uốn lưỡi nhiều lần. Thành ra có người không chịu nổi lại cho là nhí nhố, thô thiển. Cho nên, trong những bài hip hop của tôi, tôi phải làm sao để giữ chút tính Việt trong đó. Chẳng hạn như ở bài Bâng khuâng, ca từ vẫn còn "nhẹ nhàng" lắm.
- Nếu có nhận xét rằng anh viết nhạc hip hop là chạy theo mốt, anh sẽ nói gì về điều này?
- Tôi là một người hòa âm rất đam mê tiết tấu và ngẫu nhiên hip hop thỏa mãn cho tôi điều đó, tại sao lại gọi là chạy theo mốt chứ.
Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh. |
- Một số nhạc sĩ quan niệm một sáng tác trước tiên phải đẹp về giai điệu rồi mới đến ca từ, còn một số lại quan niệm ngược lại. Anh thấy mình thuộc về trường phái nào?
- Hai quan niệm đó phải được xét theo thể loại âm nhạc nào, không thể nói chung chung được. Một bản ballad mà giai điệu gồ ghề, gãy khúc, ca từ chẳng đẹp thì coi như xong. Ngược lại, bản hip hop mà lòe loẹt và quá thơ thì coi như hỏng. Với tôi thì cứ tùy theo thể loại mà làm.
- Tình yêu luôn là đề tài được các nhạc sĩ khai thác nhiều nhất nhưng xem ra anh không mặn mà lắm, vì sao vậy?
- Tôi cũng có Ước gì hay Giấc mơ mùa thu lãng mạn lắm chứ. Có điều tôi viết đa dạng về đề tài, mỗi thứ một chút chứ không gói gọn trong tình yêu đôi lứa.
- Những người viết nhạc thường có cách suy nghĩ và cách sống lãng mạn, còn anh thì sao?
- Sống lãng mạn theo tôi là người có trái tim nhạy cảm trước cuộc sống mà cuộc sống thì đâu chỉ có tình yêu đối lứa. Có một đồng nghiệp nói với tôi rằng: "Nếu muốn nhiều tác phẩm hay thì gia đình đổ vỡ, còn muốn gia đình hạnh phúc thì ít tác phẩm hay. Bạn thấy thế nào, tôi thì tôi muốn gia đình hạnh phúc thôi.
Huyền My thực hiện