Tài liệu điều tra nêu rõ: một số cán bộ công an Hà Nội đã làm sai lệch hồ sơ vụ án trong quá trình điều tra vụ án tai nạn giao thông trên. Một số cán bộ trong khi thi hành nhiệm vụ được phân công đã không làm đầy đủ trách nhiệm của mình, có nhiều thiếu sót, vi phạm nghiệp vụ như: vẽ sơ đồ, lập biên bản hiện trường cẩu thả, số liệu không chính xác, chụp ảnh hiện trường không đặt thước đo tỷ lệ, không thực hiện đúng quy định, quy trình điều tra các vụ tai nạn giao thông của Bộ Công an; vi phạm quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can (gần một tháng sau khi xảy ra tai nạn, công an Hà Nội mới ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can).
Có việc cán bộ công an sửa chữa, ghi thêm số liệu trên sơ đồ hiện trường và không đưa bản kết luận giám định số 3418/C21-BCA ngày 13/12/2002 của C21, Bộ Công an về việc sửa chữa số liệu đo dấu vết phanh tại bản sơ đồ hiện trường vào hồ sơ vụ án.
Viện KSND tối cao cũng đánh giá, những vi phạm nêu trên khiến vụ án từ đơn giản đến phức tạp, khiến đại diện người bị hại, dư luận thiếu tin tưởng vào kết quả điều tra vụ án. Cơ quan tố tụng các cấp cũng không hiểu đầy đủ bản chất vụ án để đưa ra phán quyết đúng đắn, làm kéo dài thời gian tố tụng của vụ án.
Trước đó, ngày 17/10/2005, cơ quan CSĐT Bộ công an đã có công văn số 954/C16 đề nghị giám đốc Công an TP Hà Nội tiến hành kiểm điểm, xử lý nghiêm túc các cá nhân sai phạm. Hơn 3 tháng sau khi nhận được công văn trên, ngày 20/1/2006, Giám đốc công an Hà Nội mới ra quyết định kỷ luật với hình thức "cảnh cáo" 4 cán bộ là Bùi Ngọc Bình, Nguyễn Hữu Hội, Trần Văn Hồng, Lại Thế Định. Thi hành kỷ luật với hình thức "khiển trách" đối với điều tra viên Phạm Đăng Nhàn; nghiêm khắc phê bình rút kinh nghiệm, cắt danh hiệu thi đua đối với hai cán bộ: Nguyễn Trọng Tân, Nguyễn Đức Minh. Tất cả các cá nhân bị kỷ luật đều là những cán bộ có liên quan đến quá trình điều tra vụ án tai nạn giao thông nghiêm trọng trên.
Tuy nhiên, trong quá trình điều tra vụ án cũng như kết quả kiểm điểm các cán bộ Công an Hà Nội, Viện KSND tối công ano nhận thấy một số vấn đề tồn tại của vụ án như chưa xác định cụ thể trách nhiệm cá nhân trong việc điều tra vụ án. Ngày 14/3, Viện KSND tối cao lại có công văn kiến nghị Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo xem xét giải quyết vụ việc trên theo đúng quy định của pháp luật.
Vụ án gây tai nạn giao thông trên đã qua 2 lần xét xử sơ thẩm tại TAND Hà Nội, 2 lần phúc thẩm, và từng bị "chuyển nhầm" về TAND huyện Từ Liêm xét xử. Trong tháng 6 tới, dự kiến TAND Hà Nội sẽ tiến hành phiên sơ thẩm lần thứ 3. Tội danh truy tố Phạm Hồng Quân vẫn là "vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ" (Điều 202 Bộ luật hình sự). Theo điểm d, khoản 2, điều 202 BLHS thì khung hình phạt cho tội danh này là từ 3 năm đến 10 năm tù giam. Ngày 19/10/2004, Phạm Hồng Quân từng bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt 8 năm tù giam.
(Theo Thanh Niên)