![]() |
Cho vay qua thẻ - dịch vụ mở đường cho “canh bạc sinh viên”. |
Xung quanh các đại học trên đất Thái Nguyên trong thời gian gần đây nở rộ như nấm các dịch vụ cho vay qua thẻ sinh viên để làm “phao cứu sinh” cho những canh bạc sinh viên.
Cầm cọc tiền ra khỏi quán, Châu tâm sự: “Không dám vay nhiều, nhỡ không trả được là bị "cắt cổ" ngay. Không ăn đòn thì "nó" cũng đánh điện về tận nhà”. Châu nói tiếp: “Vay như em nhằm nhò gì, ở trường khối đứa còn vay, nợ đến trăm triệu đấy, không ít đứa phải bỏ học vì không trả được nợ”.
Vay 10 “quả” (10 triệu đồng) như Châu vẫn xếp vào dạng “tép riu” không chấp. Dân đi vay có thâm niên đều không nợ dưới 50 quả. Quanh các trường đại học ở Thái Nguyên như Sư phạm, Kỹ thuật Công nghiệp, Y Khoa, Nông lâm… chuyện sinh viên cầm cố, mượn xe, vay qua thẻ, lô đề đã trở thành “chuyện thường ngày”. Sinh viên nợ hàng trăm triệu rồi bỏ học không còn là hy hữu hay tạo nên sửng sốt trong giới sinh viên.
Ngay cả Đại học Sư phạm, vốn có điểm đầu vào cao nhất và thuộc top “ngoan” nhất, cũng có tới 21 quán cho vay qua thẻ xung quanh trường chuyên để phục vụ sinh viên "nhà". Sinh viên trường khác, nếu không quen biết, không được vay.
Một sinh viên bày tỏ rằng, lớp ban đầu có 15 bạn nam nhưng giờ chỉ còn 10. Trong 5 người thôi học có những người đầu năm vốn rất hiền lành, ham học nhưng sau vài lần nghe bạn bè rủ rê “chơi thử” vài con lô thành nghiện lúc nào không hay. Đồ đạc, phương tiện trong phòng “bay” hết ra hiệu cầm đồ. Chỉ sau năm nhất, họ đã trở thành những “con nợ sinh viên”. Người "vừa vừa" cũng nợ gần 60 triệu, người nhiều lên tới hơn 100 triệu đồng.
Mỗi buổi chiều, dưới ánh đèn điện cao áp hắt vàng xuống phía trước cổng Đại học Nông lâm, không khó để nhận ra những bước chân thất thểu, nét mặt rầu rĩ của những nam sinh từ quán lô đề đi ra. Châu kể: “Dân Nông lâm vẫn được coi là "đẳng cấp nhất" trong giới lô đề sinh viên. Vì có khá nhiều cao thủ đề mỗi ngày hạ xuống bàn cả chục triệu đồng cho đề, lô. Xuân, một trong những tay chơi hàng đầu Nông lâm, cùng quê Lạng Sơn với Châu đốt của gia đình hơn… 400 triệu đồng.
Những ngày tháng ngập chìm trong vận may đỏ đen này, số lần “nổ” (trúng) thì hiếm mà khoản nợ lại ngày càng tăng. Để có tiền theo đuổi những “con số thiên đường”, toàn bộ vi tính, xe máy, điện thoại xịn X. “kí gửi” cầm đồ hết. Đến cả thẻ sinh viên của người yêu cũng bị huy động để vay tiền. Cuối năm vừa rồi, cận kề ngày thi tốt nghiệp, khoản tiền nợ lên đến hơn 400 triệu đồng, Xuân đành phải cầu cứu đứa bạn gọi điện gấp về cho gia đình lên trả nợ.
Cũng như Châu, Hoàng, sinh viên Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, nổi tiếng trong giới lô đề, cắm nợ trong trường khi có ngày ghi lô đề tới vài triệu. Nhà khá giả, bố mẹ có tiếng làm to ở đất Bắc Ninh nên chuyện xin vài triệu tiêu xài trong một tháng, với Hoàng dễ như ngửa bàn tay. Nhưng đến năm cuối, gia đình vỡ lở “danh tiếng” lô đề, nợ nần của cậu quý tử, đành hỏa tốc vác hơn 60 triệu lên trả nợ, xin nghỉ học cho con.
Những ngày tìm hiểu chuyện sinh viên chơi lô đề ở các trường đại học trên Thái Nguyên, đến trường nào cũng được nghe chuyện những sinh viên “hảo hán” về lô đề, nợ nần, cắm thẻ. Đầu năm ngoái, một sinh viên ở ký túc xá Đại học Nông lâm vì mấy tháng lỡ “sa chân” vào lô đề mà nợ mấy chục triệu đồng đến nỗi phải treo cổ tự tử. Lại có những bà cụ từ quê tiều tụy vì nghèo cắm cả sổ đỏ lấy tiền đến “chuộc nợ” cho con…
* Tên nhân vật đã được thay đổi
(Còn tiếp)
Duy Phương