12h khuya, đèn quán Uni vụt tắt. Tiếp viên My nhạt nhoà son phấn, bước hụt bước hẫng hớt hải vịn lấy đuôi xe một đồng nghiệp, nói như van: “Chị ơi, đưa em về với”. Tay My lạnh ngắt, cô khóc nấc: “Hôm qua em đi chơi với thằng khách, bị nó chuốc rượu, chút xíu nữa là xong đời. Đêm nay nó lại tới quán, kéo theo mấy thằng mặt mũi dễ sợ lắm, em mới đi ngang qua, nó khều lại bảo: 'Tối nay đi chơi nữa nha My', em im lặng thì nó dọa, em sợ quá chị ơi”.
Cả hai không dám về nhà sau giờ tan ca nên lấy phòng khách sạn gần đó để nghỉ qua đêm, ít nhất cũng đỡ nguy hiểm hơn việc lang thang ngoài đường. My nhạt nhoà nước mắt, cảm kích gật đầu.
My tẩy trang, làn da không phấn son vẫn trắng ngần như sứ. My đẹp dịu dàng, phảng phất chút thanh tao mà chẳng hiểu sao vẫn giữ được ở chốn hỗn tạp này. My khóc thút thít cạnh mép giường, than rằng cuối năm rồi, cô nhớ nhà lắm. My kể, My ở cù lao Phú Tân, tận An Giang. Quê nghèo, nhà My cũng nghèo rớt.
Năm My lên lớp 10 mẹ gửi cô lên Sài Gòn ở với người cô. Cô My là chủ cơ sở may gia công nhỏ, My một buổi đi học một buổi về may cho cô. Tình người như nước lã, cô My không trả tiền công đã đành, có hôm còn bắt My làm đến 4-5h sáng mới cho ngơi nghỉ.
My lại nấc lên, tiếng nghẹn, tiếng ngào: “Đã vậy, bà ấy còn hay dắt những người đàn ông lạ vào nhà, cứ chỉ vào em mà nói khéo: 'Cháu tui đó, anh ưng thì chờ nó lớn'… Ở được một năm, chịu không nổi, em trốn ra ngoài sống, bỏ học luôn. Vì cô không nuôi thì cũng không có tiền mà học nổi”. Rồi My trôi dạt làm gái bán cà phê cho đến tận bây giờ. My tâm sự, cô cũng muốn bỏ nghề nhưng không biết làm gì khác, tiêu xài mãi cũng quen, với lại bản thân cũng đâu có mất mát gì.
Hầu hết tiếp viên cà phê “lú”, mỗi người đều mang một câu chuyện đầy uẩn khúc. Những số phận nhàn nhạt tựa như My, như bao cái tên thật thật giả giả khác, những cảnh đời rệu rã, bám vào ánh đèn mờ ảo bởi đói nghèo, bởi thiếu tình thương, hay đơn giản chỉ là vì… không còn biết làm gì.
Lan, cô gái ở Bến Tre, “mồ côi” chồng ngay đêm tân hôn. Bị thiên hạ đàm tiếu, thêu dệt cái số sát chồng, Lan buồn chán bỏ nhà lên Sài Gòn. Nghe người chị cùng quê mách nước rằng, làm tiếp viên hạng sang ở quán cà phê sang sẽ có cơ hội lấy được chồng "ngon”, Lan thử xem sao, rồi lún vào lúc nào không biết.
Lan cũng có vài ba mối tình với khách. “Nhưng khách mãi mãi chỉ là khách, họ chỉ ngủ với gái chứ không lấy gái ”, Lan chua chát nói rồi nở nụ cười khinh đời trên khuôn mặt đã chớm những vết hằn. Lan năm nay tròn 26, đã nhiều lần bị quản lý chê "cũ", chắc sẽ bị thay trong nay mai.
Hầu hết các quán cà phê “lú” đều liên tục tuyển tiếp viên và tìm mọi cách đổi đào để mang lại làn gió mới cho khách. Bởi vậy, tiếp viên cũng có thời, nay là đào hạng sang thì mai mốt phải dạt đến những quán cà phê chòi, buộc phải chiều khách hết cỡ cũng là điều dễ hiểu.
Quán Uni có phục vụ rượu. Tuy không thể cung cấp đủ các loại rượu mạnh cho khách, vì đây là quán cà phê, nhưng các thứ cocktail, rượu pha chanh… vẫn đủ lượng để khách say say, quay quay cùng thứ nhạc kích động đến điên cuồng. Chính điều này đã khiến Uni trở thành “vùng đất dữ” có tiếng trong giới tiếp viên cà phê “lú”. Bởi hơi men và da thịt con gái vốn dĩ rất dễ khiến những tay chơi thiếu kiềm chế.
Không ít cảnh tiếp viên bị khách sàm sỡ ngay giữa chốn đông người đã xảy ra ở đây, chưa kể họ còn gây gổ, ẩu đả với nhau chỉ vì khách bàn này dám trêu ghẹo tiếp viên “ruột” của bàn khác. Có không ít tiếp viên do chịu không nổi cảnh nguy hiểm chực chờ nên đã bỏ đi đến các quán khác lành hơn. Nhưng được mấy hôm họ lại quay về, bởi làm ở đây lương cao, khách đông và boa nhiều quá.
Tiếp viên tên Xuân kể lại một trong những lần chạm trán với dạng khách nguy hiểm. Lần ấy, khi đang tiếp đá cho bàn số 46 tận trong góc quán, cô bị ghì tay lại, nhạc quá to nên cô không tài nào nghe được khách muốn nói gì.
Nhóm khách đi 4 người, gã khách đang nắm lấy tay cô tuổi vào độ trung niên, ăn mặc khá chỉnh tề, cô khéo léo rút tay và cố gắng hỏi gã có yêu cầu gì. Gã hét to vào tai cô: “Tối nay, đi không em”. Cô liền nói: “Xin lỗi anh, tôi không phải là gái”.
Tức thì cả đám phá lên cười, nhại theo: “Em không phải là gái, em là gà”. Nghĩ tránh voi không xấu mặt nào nên cô toan bỏ đi, nào ngờ gã khách trung niên bỗng kê chân khiến cô vấp ngã, do bàn xếp san sát nên cô đổ nhào vào một bàn bên cạnh.
Đám khách cười hô hố, bình phẩm bằng những lời khiếm nhã, riêng gã khách trung niên bỗng dùng tay chộp lấy cổ chân cô, không cho cô đứng dậy. Không kiềm chế được nữa, cô bưng ly trà đá tạt vào mặt gã khách khả ố, tức thì hai tiếp viên nam lôi Xuân ra khỏi khu vực khách.
Người quản lý giận đến tím tái mặt mày, tên khách đứng vụt dậy lao vào Xuân. Cô đang chờ một cú tát trời giáng thì người quản lý đã kịp thời ngăn gã khách lại. Hai tiếp viên nam đẩy Xuân vào phòng nghỉ của quán. Lúc cô gái được bước ra thì quản lý đã “dàn xếp” êm xuôi. Anh ta không cần biết lý do, liền sỉ vả Xuân không tiếc lời và tất nhiên, cô bị đuổi việc.
10h đêm, cũng là lúc khách đến cà phê “lú” chỉ để… ngắm gái thưa dần, thay vào đó là dạng khách đang kiếm tìm những chuyến “bay đêm” đầy ngẫu hứng nên những lời mời mọc sống sượng, những cuộc ngã giá thầm kín cứ thế diễn ra dưới ánh đèn mờ ảo, trong tiếng nhạc át được cả tiếng gào rú điên cuồng.
Trong thế giới đèn mờ, giữ được mình có lẽ là điều hết sức khó khăn. Bởi, khách đến cà phê “lú” đâu chỉ để uống cà phê mà không ít trong đó đang muốn kiếm bạn tình. Chỉ cần đồng tiền rơi vãi, vài hứa hẹn tương lai, thì các cô gái vốn dĩ cũng vì đồng tiền mà dám phô diễn xác thân làm sao tránh khỏi việc sa ngã. Và bị ruồng bỏ sau khi đã bướm chán ong chường chỉ là chuyện sớm hay muộn. Từ cặp bồ dài hạn, đến ngắn hạn và rồi đi khách như cave hạng sang cứ như một chu trình "ám” lấy phận tiếp viên. Cạm bẫy của đồng tiền như cái tròng đáng sợ chực chờ nuốt lấy từng người từng người một.
Theo Công Lý
* Tên một số nhân vật đã được thay đổi