![]() |
Thuốc Elavil chống tái nghiện. |
Người bị coi là nghiện rượu khi: Uống rượu liên tục hằng ngày tối thiểu 10 năm; lượng rượu uống hằng ngày tối thiểu là 300 ml loại 40 độ (hoặc rượu nhẹ với số lượng nhiều tương ứng); nếu ngừng uống sẽ có hội chứng cai.
Hội chứng cai xuất hiện vài giờ sau lần uống rượu cuối cùng với biểu hiện run tay, chân hoặc toàn thân, đi đứng loạng choạng, thậm chí có cơn co giật kiểu động kinh. Bệnh nhân thèm rượu mãnh liệt, mọi ý nghĩ chỉ là tìm cách có rượu uống để thỏa mãn cơn thèm. Ngoài ra bệnh nhân còn mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, nôn, ra mồ hôi như tắm mặc dù thời tiết không nóng, đánh trống ngực... Buổi tối bệnh nhân mất ngủ hoặc ngủ rất ít, hay có ác mộng; ngủ dậy vẫn mệt mỏi, lú lẫn nặng nề.
Khi hội chứng cai trở nên nặng nề, bệnh nhân sẽ có hoang tưởng và ảo giác (hội chứng Paranoid), phổ biến là hoang tưởng bị hại. Bệnh nhân cho rằng có ai đó, thậm chí là ma quỷ, tìm cách hại mình. Ảo giác đặc trưng cho cai rượu là ảo thị giác: nhìn thấy ma quỷ hoặc các động vật nhỏ như chim, chuột, côn trùng trên tường nhà hoặc trước mắt (mà thực ra không tồn tại). Ngoài ra, bệnh nhân còn có ảo thanh, nghe thấy tiếng ai đó nói ở bên ngoài vọng vào đầu, giọng nói rất rõ ràng, phân biệt được là giọng đàn ông hay đàn bà, quen hay lạ. Nội dung thường là bình phẩm xấu về bệnh nhân.
Hội chứng cai nặng nề hơn nữa sẽ trở thành sảng rượu - một cấp cứu tâm thần tối khẩn cấp vì nếu không xử lý kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong. Sảng rượu gồm 3 triệu chứng: rối loạn định hướng không gian, thời gian, bản thân; mất ngủ hoàn toàn; hội chứng Paranoid.
Dùng thuốc để cai nghiện
Để điều trị hội chứng cai rượu, bác sĩ thường cho dùng seduxen liều 20-40 mg/ngày. Nếu bệnh nhân còn tỉnh táo thì có thể cho uống, còn nếu rối loạn ý thức thì nên tiêm bắp. Nếu không có seduxen, có thể thay thế bằng một trong những thuốc: Lexomil 6 mg x 2-4 viên mỗi ngày; Rivotril 2 mg x 2-4 viên mỗi ngày; Tranxen 10 mg x 4 viên mỗi ngày.
Dùng các thuốc trên trong 5-7 ngày, hội chứng cai sẽ thuyên giảm và hết. Lúc đó, cần giảm dần liều. Nếu bệnh nhân có thêm hoang tưởng nặng nề, có thể phải dùng phối hợp với thuốc an thần như haloperidol 10 mg/ngày hoặc olanzapine 10 mg/ngày. Lưu ý khi dùng haloperidol thì nên dùng kèm avtane để hạn chế tác dụng phụ.
Nếu có sảng rượu, bệnh nhân phải được điều trị nội trú tại bệnh viện chuyên khoa. Nếu có các bệnh thực thể do rượu như viêm gan, loét dạ dày..., bác sĩ sẽ cho phác đồ điều trị phối hợp.
Nghiện rượu rất dễ tái nghiện, vì vậy cần điều trị phòng tái phát lâu dài. Một số bác sĩ sử dụng phác đồ: Elavil 25 mg x 4 viên mỗi ngày, uống sáng, tối; Metronidazol 0,25 mg x 4 viên mỗi ngày, uống sáng, tối. Thời gian điều trị phải nhiều tháng, thậm chí kéo dài 2-3 năm để bệnh nhân quen với cuộc sống không có rượu.
Elavil (amitriptilin) là thuốc chống trầm cảm an dịu mạnh. Uống thuốc này, bệnh nhân không bị trầm cảm sau cai rượu, ăn ngủ tốt, yêu đời, hạn chế tìm đến rượu. Thuốc giá rẻ, dễ mua, giúp bệnh nhân dễ dàng tiếp cận với thuốc.
Metronidazol (klion) là thuốc chữa ký sinh trùng đơn bào (lỵ amip). Nhưng thuốc này còn có tác dụng ức chế chuyển hóa rượu (giống disulphiram) gây ra các sản phẩm chuyển hóa dở dang là aldehit acetic. Bệnh nhân đang dùng thuốc này nếu uống rượu sẽ bị đau đầu, chóng mặt, rất mệt mỏi, buồn nôn, nôn và nhiều tác dụng rất khó chịu khác nên sợ uống rượu. Thuốc có vài tác dụng phụ như có vị kim loại ở miệng, hạ bạch cầu thoáng qua.
Khi điều trị cai rượu, bệnh nhân nên thường xuyên đến khám ở các bác sĩ chuyên khoa tâm thần để có các chỉ định điều trị thích hợp. Việc dùng thuốc dứt khoát phải đúng liều và đúng hướng dẫn, nếu không có thể gây nguy hiểm cho bệnh nhân.
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)