Thanh Thanh
(Cuốn sách của tôi)
Đã lâu lắm rồi tôi mới đọc tác phẩm văn học của Trung Quốc nói riêng và văn học nước ngoài nói chung. Kể từ khi rời ghế nhà trường, xa thời học cấp ba với áo dài trắng thướt tha, tôi rất ít khi đọc tác phẩm đương đại mà lại có xu hướng đọc những tác phẩm kinh điển. Một phần vì các tác phẩm có mặt trên thị trường hiện nay không đáp ứng, thỏa mãn được nhu cầu về cảm thụ văn học.
Đa phần đều là những tác phẩm viết về tình yêu nhưng lại chứa đựng nhiều tình tiết và ngôn từ không được trau chuốt, có quá nhiều yếu tố dung tục. Đặc biệt là hầu hết các tác phẩm đều đưa sex vào như "một gia vị không thể thiếu trong khi chế biến món ăn". Khái niệm về sex trong văn học dường như không được coi là một trong những yếu tố nghệ thuật với cách viết và suy nghĩ của không ít những nhà văn hiện nay.
Mãi cho đến khi tôi được cô giáo dạy văn và cũng là một người đồng hành rất thân thiết tặng cuốn sách Xin lỗi em chỉ là con đĩ của nhà văn trẻ Tào Đình, lần đầu tiên xuất bản ở Việt Nam năm 2007. Cầm cuốn sách trên tay, tôi đã rất ngạc nhiên và bị sốc khi nhìn thấy tiêu đề của tác phẩm.
Tôi đã có ý định không đọc nhưng khi nhin thấy hình minh họa về cô gái mặc chiếc váy trắng tinh khôi, tôi không khỏi thắc mắc và tò mò. Tuy chỉ là tấm hình chụp nửa người nhưng tôi vẫn cảm thấy cô gái ấy có một sức hút kỳ diệu, một sức hút đến mãnh liệt toát ra từ những dòng chữ, từ tư thế đứng nghiêng nửa người của người con gái ấy! Cho đến tận bây giờ, mỗi khi ngồi nghĩ lại, tôi vẫn mường tượng ra hình dáng ấy.
Hạ Âu - người con gái bị gọi là "đĩ" ấy lại có khuôn mặt và dáng vẻ của người thiếu nữ trong trắng, tinh khôi đến lạ lùng. Và biết đâu nếu không phải cô xuất hiện lần đầu trong tác phẩm là cảnh ở vũ trường thì người ta có thề nghĩ đến một cô tiểu thư con nhà quyền
thế. Nhìn cuôc đời Hạ Âu, không ai nghĩ đến thân phận cô là "đĩ" mà dường như hình ảnh lưu lại trong lòng độc giả là thân phận đáng thương của Hạ Âu - một cánh hoa trôi giữa dòng đời, là sự thương xót, cảm thông với số phận của phận má hồng!
Mỗi khi nghĩ về Hạ Âu, tôi như nhận ra một điều gì đó trong xã hội bao la, rộng lớn này, về những giá trị của con người trong cuộc sống xã hội ngày nay, về kiếp "kỹ nữ" đáng bị ruồng rẫy và xem thường ấy, về những người bị gọi là "đĩ". Tôi tự hỏi trên thế gian này nếu tất cả "đĩ" đều giống như Hạ Âu thì thật đáng thương, tội nghiệp biết bao và càng đáng trân trọng biết nhường nào. Nhưng trên hết là một cách nhìn rất mới mẻ và nhân văn về những tình tiết sex được tác giả sử dụng rất nghệ thuật.
Từ khi đọc Xin lỗi em chỉ là con đĩ của Tào Đình, tôi đã có cái nhìn rất khác về sex, về những vấn đề nhạy cảm trong xã hội mà đặc biệt là với người Á Đông. Một tác phẩm đáng để mọi người cùng đọc và nhìn nhận tài năng của những nhà văn trẻ, nhìn nhận về những khía cạnh đa dạng, muôn màu trong cuộc sống này.