Các quán cafe ở Hà Nội luôn đông khách, bất kể mùa nào trong năm. Tuy nhiên, thức uống mà mỗi khi gió lạnh tràn về, lòng người Hà Nội nhớ nhung nhất, thì chỉ có thể là ly cafe trứng nóng hổi, đựng trong chiếc cốc đơn sơ, giản dị.
Cốc cafe thơm nức được tạo thành từ cafe, trứng và sữa nhưng lại có một sức hút kỳ lạ với bất cứ ai từng có cơ hội thưởng thức. Cafe trứng đặc biệt phù hợp với người không chịu được cái đắng ngắt của cafe phin, nhưng vẫn muốn thưởng thức, nhấm nháp chút chút. Vị ngọt bùi, beo béo của trứng gà và sữa sẽ đánh tan đi phần "khó ưa" nhất của cafe, chỉ để lại hương thơm ngào ngạt, hấp dẫn.
Cafe trứng đầu tiên ở Hà Nội xuất hiện từ những năm đầu thế kỷ 20, tại quán cafe Giảng, khi xưa ở phố Hàng Gai. Cụ Giảng, chủ quán thời bấy giờ, từng có thời gian làm đầu bếp pha chế ở khách sạn Metropole thời Pháp thuộc, đã biến thể món Capuchino quen thuộc ở phương Tây trở thành cafe trứng với những nguyên liệu gần gũi nhưng đậm đà hơn.
Quán Giảng trải qua nhiều thăng trầm, để đến ngày nay, chia tách thành 2 cơ sở ở Nguyễn Hữu Huân và Yên Phụ do các con cụ Giảng làm chủ. Trước cơn bão của nhiều thức uống hấp dẫn, màu mè du nhập từ mọi nơi, cafe trứng của Giảng vẫn được lưu vào sổ tay địa chỉ ăn uống của du khách trong và ngoài nước, mỗi khi ghé thăm thủ đô.
Cách làm cafe trứng không quá phức tạp, nhưng đòi hỏi sự tinh tế và khéo léo. Có lẽ vì thế mà ở Hà Nội, số quán pha chế thành công chỉ đếm trên đầu ngón tay. Người pha chế phải chọn những quả trứng gà tươi nguyên để không gây ra mùi tanh khó uống. Cafe cũng phải là loại nguyên chất hảo hạng của Việt Nam, có mùi thơm nồng nàn.
Trứng gà sẽ được tách lấy lòng đỏ, sau đó đánh bông bằng máy cho tới khi dậy mùi thơm như bánh. Cafe phin đun nóng, đổ thêm một chút sữa đặc cho lắng xuống dưới rồi chầm chậm đổ phần trứng vừa đánh lên trên để tạo thành 3 tầng đẹp mắt.
Công thức không có gì là đặc biệt hay bí quyết giấu nghề nhưng rất ít nơi có thể làm thành công thức uống này. Có lẽ, bí quyết nằm ở việc gia giảm tỷ lệ trứng, cafe và sữa sao cho thật vừa miệng, hài hòa không ngọt quá, không đắng quá, vị ngầy ngậy lẩn trong mùi hương cafe nồng nàn. Sau này, đầu bếp còn rắc lên bên trên cốc cafe trứng một ít bột cacao màu nâu, vừa đẹp mắt vừa để tăng thêm mùi vị vốn đã rất hấp dẫn.
Đối với một số khách hàng nữ sợ mất ngủ hay dị ứng với cafe thì có thể gọi cho mình một cốc cacao trứng với cách làm tương tự, chỉ là thiếu đi một chút cafe bên dưới.
Cafe trứng phải thưởng thức khi còn nóng hổi, vừa pha chế xong bởi lẽ để lâu sẽ bị tanh, mất đi mùi hương và khá khó uống. Nhưng cũng giống như bất kỳ món ăn truyền thống nào, khi uống, người ta phải chầm chậm nguấy đều lớp bọt bồng bềnh, đưa từng thìa nhỏ lên miệng để trứng đánh bông tan ra, lan tỏa hương vị đậm đà.
Cốc cafe trứng thường là cốc loại thấp nhỏ, đặt vừa trong lòng bàn tay, chỉ đủ để người thưởng thức, thấy ngon nhưng vẫn thòm thèm và nhớ nhung. Cafe trứng đã có từ lâu nên không tạo ra cơn sốt ẩm thực như những món ăn ồn ào thời bây giờ. Nó chỉ đủ để âm ỉ lan tỏa, góp phần tạo thành một nét văn hóa ẩm thực rất Hà Nội, không thể lẫn lộn.
Cứ mỗi khi gió lạnh tràn về, không chỉ những người có tuổi, mà các bạn trẻ ở Hà Nội cũng thường rủ nhau len lỏi vào những góc quán cafe cũ kỹ, nhâm nhi cốc cafe trứng từng làm mê mẩn lòng người một thời.
Hiện nay, ngoài 2 địa chỉ quán Giảng ở 39 Nguyễn Hữu Huân và 109 Yên Phụ, bạn có thể uống cafe trứng ở quán Đinh (gác 2, 13 Đinh Tiên Hoàng) hay Cafe Phố Cổ (11 Hàng Gai). Ngoài ra, món cacao trứng tại quán sinh tố Hồng (ngõ Hàng Chỉ) cũng khá nổi tiếng. Giá một cốc cafe trứng khá mềm, từ 15.000 đồng.
Bài và ảnh: Nguyên Chi