"Một đứa trẻ hành động không đúng là một đứa trẻ chán nản", bác sĩ về sức khỏe tâm thần Rudolf Driekurs chia sẻ phát hiện của mình.
Đứa trẻ chán nản khi nó cảm thấy "không thuộc về nơi này" hay "bản thân không quan trọng". Và hành động xấu xí là cách trẻ thể hiện sự chán nản, tuy có vẻ như sai trái, nhưng thực tế là tín hiệu rằng trẻ đang cần giúp đỡ.
Nếu cha mẹ không biết cách giải quyết tận gốc mỗi khi con hành động tiêu cực, về lâu dài nó có thể trở thành một mẫu hành vi mang tính định kỳ. Vì vậy, chuyên gia khuyên các phụ huynh cần đưa ra cho con 3 điều dưới đây một cách nhất quán để ngăn chặn hành vi không đúng của trẻ.
1. Dành cho con sự chú ý và tình yêu vô điều kiện
Mỗi ngày, hãy dành ít nhất vài phút với con, cho con thấy rằng bạn trân trọng khoảng thời gian này. Bạn nên bắt đầu bằng cách hỏi về những điều quan trọng đối với con thay vì câu hỏi chỉ cần trả lời bằng "Có" hoặc "Không". Những đoạn hội thoại mở như: "Hôm nay con đã chơi với ai trong giờ giải lao?", "Con nghĩ gì về buổi thử giọng cho dàn hợp xướng sắp tới?" sẽ khuyến khích trẻ chia sẻ nhiều hơn.
Bố mẹ cũng cần nói ít hơn, nghe nhiều hơn. Hãy kết nối với con mà không có bất cứ công việc nào xen vào. Điều này sẽ làm giảm nhu cầu được chú ý quá mức của trẻ.
Nếu sau đó, con tiếp tục làm gián đoạn bạn vào những thời điểm khác trong ngày khi bạn bận rộn, hãy tử tế và tôn trọng với con. "Mẹ ước gì mẹ có thể dành thời gian với con bây giờ. Nhưng mẹ có một số công việc khác để làm. Mẹ mong chờ đến khoảng thời gian đặc biệt chúng ta được bên nhau sau bữa tối" - đó là điều bạn nên nói với con thay vì cáu giận.
2. Dành cho con quyền chịu trách nhiệm
Bố mẹ nên đối xử với con như một người trẻ có trách nhiệm; tạo cơ hội để con nhận ra khả năng của mình. Hãy dạy con làm việc nhà, để con biết được mình có thể làm gì đóng góp vào lợi ích của cả gia đình. Sau đó, bố mẹ chỉ cần chú ý tới các hành vi tích cực của con mà không cần ca ngợi quá mức: "Cảm ơn con đã dọn bàn ăn. Mẹ đánh giá cao sự hợp tác của con".
3. Dành cho con quyền lựa chọn
Chẳng ai thích bị ra lệnh. Mọi người cảm thấy mình có ý nghĩa hơn khi được nói chuyện một cách trân trọng và đưa ra ý kiến. Vì thế, hãy cho con tự do lựa chọn trong giới hạn. Hãy thử tưởng tượng có một vòng tròn với khoảng trống ở giữa để trẻ đi xung quanh và khi con lớn lên, bạn cần mở rộng vòng tròn giúp bé kiểm soát nhiều hơn những thứ quan trọng với bé.
Ví dụ:
- Đặt giới hạn hợp lý: Bài tập về nhà cần được hoàn thành trước bữa tối.
- Đưa ra lựa chọn: Trước hoặc sau giờ chơi...
Sau đó, bố mẹ hãy tôn trọng sự lựa chọn của con và tin rằng con có thể đưa ra quyết định đúng đắn. Bố mẹ cũng đừng trừng phạt con bằng cách lấy đi các đặc quyền khi chúng mắc sai lầm mà nên để con học hỏi từ chính trải nghiệm.