Ngoài sự "vô tư" không đáng có của những người sử dụng thẻ ATM nêu trên, mã số bảo mật tài khoản cá nhân còn có thể bị phát tán từ những người thân của chủ thẻ vô tình tiết lộ ra ngoài. Theo Sài Gòn Tiếp Thị, thủ đoạn tinh vi hơn là số PIN bị đánh cắp từ các thiết bị lấy cắp số PIN. Ví dụ nếu các thiết bị lấy cắp này được kẻ gian bí mật cài vào máy ATM hoặc hệ thống máy tính của ngân hàng thì có thể dò được số liệu của chủ thẻ. Trường hợp tồi tệ hơn là để xảy ra việc nhân viên ngân hàng làm "nội gián" và tiếp tay sự lấy cắp.
Do đó, điều này phụ thuộc vào khả năng quản trị thẻ của các ngân hàng. Một trong những biện pháp đề phòng là các máy ATM phải được thiết kế loại trừ thiết bị lạ, chỉ cho phép những thiết bị nào được lập trình trước mới có khả năng khởi động được hệ thống. Còn để loại trừ nội gián, việc quản trị thẻ được phân nhiều tầng cấp, mỗi cấp chỉ biết duy nhất công đoạn của mình.
Một số loại thẻ khi giao dịch không cần phải nhập số PIN mà chỉ cần quét qua máy đọc thẻ. Theo ông Cường, với các loại thẻ này, chủ thẻ cần giữ gìn hơn nữa và tốt nhất là luôn có mặt chủ thẻ chứng kiến khi thanh toán. Bởi, có những trường hợp kẻ gian sẽ quét thẻ qua một thiết bị riêng để đánh cắp thông tin. Thậm chí, chỉ cần biết được số thẻ và tên chủ thẻ, người ta vẫn có thể lợi dụng được.
Họ sử dụng thông tin này để mua hàng trên mạng. Ở nước ngoài, một số ngân hàng cho phép các đại lý được tự giao dịch trong hạn mức nào đó mà không cần sự chuẩn chi của ngân hàng. Lợi dụng điều này, kẻ gian có thể mua được hàng với số tiền nhỏ mà không bị kiểm tra.
Theo ông Trần Phương Bình, tổng giám đốc ngân hàng Đông Á (EAB), khi phát hành thẻ, các ngân hàng đều đồng thời triển khai các giải pháp an toàn cao nhất cho thẻ. Song, các chủ thẻ cũng cần có sự thận trọng để tự bảo vệ bí mật thông tin thẻ của chính mình.
Điều trước hết là bảo vệ số PIN (đối với loại thẻ cần nhập số PIN khi giao dịch). Các chủ thẻ cần đặt ra vài ba số PIN và thường xuyên thay đổi qua lại giữa các số PIN này. Chủ thẻ thao tác đổi số PIN tại máy ATM và do đó người khác không biết được, kể cả ngân hàng.
Chủ thẻ cần ký chữ ký của mình vào mặt sau thẻ. Với các đại lý bán hàng cẩn thận, họ sẽ đối chiếu chữ ký giữa hóa đơn thanh toán với chữ ký trên thẻ. Điều này khiến người khác có nhặt được thẻ cũng không sử dụng được.
Hơn nữa, khi mất thẻ, chủ thẻ cần thông báo ngay cho ngân hàng nơi phát hành để ngân hàng kịp thời phong tỏa tài khoản, hạn chế được việc mất tiền. Ngược lại, chủ thẻ cũng cần chủ động cung cấp số điện thoại của mình cho ngân hàng. Bởi ngân hàng sẽ kịp thời thông báo cho chủ thẻ nếu thấy dấu hiệu bất thường. Ông Bình ví dụ, giả sử một giao dịch của thẻ vừa thực hiện tại TP HCM nhưng liền sau đó lại có một giao dịch cũng của chính thẻ này tại Hà Nội chẳng hạn, thì đó là dấu hiệu bất thường.
Một bảo đảm an toàn khác nữa là chủ thẻ tự đặt ra một số khống chế cho thẻ của mình. Hiện tại, để bảo đảm an toàn cho chủ thẻ, các ngân hàng đều có khống chế số tiền tối đa trong một lần giao dịch, tổng số tiền giao dịch trong ngày. Ngoài ra, chủ thẻ có thể tự đặt thêm một số quy định khác và yêu cầu ngân hàng thực hiện. Ví dụ người khác có lợi dụng thẻ cũng không thể đánh cắp hết tiền trong tài khoản của mình. Hàng tháng, chủ thẻ cần đối chiếu lại bảng sao kê (thông báo giao dịch hàng tháng), từ đó phát hiện các giao dịch bất thường .