- Trong các gia đình Việt, hầu hết cha mẹ đều coi việc tổ chức đám cưới cho con là trách nhiệm của họ. Tại sao chị lại quyết định tự lo tài chính và tổ chức đám cưới theo cách của mình?
- Bố mẹ tôi và bố mẹ chồng tôi đều có khả năng để tổ chức đám cưới cho chúng tôi. Nhưng do tôi và chồng tôi đã sống độc lập nhiều năm ở nước ngoài, hiện tại tôi cũng tự kinh doanh, hay tổ chức sự kiện nên tôi đã có hình dung về đám cưới của mình sẽ diễn ra như thế nào. Các mô hình tổ chức mà gia đình chúng tôi vốn quen ở Việt Nam, theo tôi đều không hợp với phong cách thân thiện và cởi mở của vợ chồng tôi.
Với tôi, đám cưới là một buổi tiệc vui vẻ, có sự tham gia của người thân và bạn bè trong nhiều hoạt động và không đặt nặng chuyện ăn uống như phần lớn đám cưới hiện nay. Tôi cũng muốn cô dâu, chú rể có cơ hội được bày tỏ tấm lòng của mình với khách mời trong tiệc cưới, vì khách mời của chúng tôi khá thân thiết gần gũi và một phần không ít khách mời bay sang dự từ Singapore - nơi chúng tôi học và làm việc nhiều năm. Như vậy đám cưới sẽ không chỉ là MC độc diễn và cô dâu, chú rể làm theo sự sắp đặt.
- Tổ chức đám cưới như cách của chị có ưu điểm gì?
- Vì cô dâu chú rể tự xây dựng kịch bản cưới nên có thể kiểm soát được các công việc. Chẳng hạn như tôi có thể sắp xếp đội phù dâu, phù rể là những người bạn, chị em thân thiết của mình. Tôi có thể đưa cho họ những “nhiệm vụ” để tạo nên một kịch bản cưới hấp dẫn, đem lại niềm vui cho tất cả mọi người. Rồi cả việc trang trí tiệc cưới nữa. Tôi cũng có thể tạo nên không gian tiệc theo sở thích và cá tính của mình. Bằng cách đó, tôi nghĩ mọi người sẽ nhớ về tiệc cưới của mình như một kỷ niệm đẹp, như một ngày lễ hội vui và thân mật với người thân.
- Thế còn những khó khăn chị gặp phải khi tự tổ chức đám cưới thì sao?
- Trong quá trình chuẩn bị và tổ chức, có hai việc khó khăn nhất là thuyết phục bố mẹ và xoay sở tài chính. Cũng như nhiều người, bố mẹ chúng tôi vẫn quan niệm rằng họ phải lo được cho con một đám cưới tươm tất thì mới là “hoàn thành trách nhiệm”, và cảm thấy lo ngại khi chúng tôi hoàn toàn đảm nhiệm trách nhiệm tổ chức đám cưới.
Bên cạnh đó, bố mẹ cũng lo ngại rằng khi chúng tôi tổ chức đám cưới ở khách sạn sang trọng thì nhiều khách mời sẽ không tham dự. Tôi và chồng đã phải thuyết phục bố mẹ rằng những người thực sự muốn đến mừng vui cùng gia đình thì sẽ đến, không vì chuyện “phong bì” mà vắng mặt. Chúng tôi còn phải chứng minh để bố mẹ tin rằng có thể xoay sở để bù vào khoản “lỗ” nếu có khi tổ chức đám cưới như vậy. Với nhiều người, họ vẫn quan niệm rằng tổ chức đám cưới phải hòa hoặc lãi nên tự gây áp lực cho mình. Nếu giải quyết thông suốt vấn đề này thì mọi việc diễn ra rất nhẹ nhàng. Sau gần hai tuần nói chuyện thì bố mẹ cũng xuôi.
Khó khăn thứ hai cũng là yếu tố quyết định của đám cưới. Đó là tài chính. Mặc dù đã dự trù chi phí ngay từ đầu là tổng chi phí cho đám cưới khoảng 300 triệu đồng (hơn 200 triệu đồng cho địa điểm và tiệc cưới, 50 triệu đồng cho wedding planner, 30 triệu đồng ảnh cưới, dự trù 20 triệu đồng cho các chi phí phát sinh) nhưng chúng tôi vẫn bị trội lên khoảng 20-30%, chủ yếu ở hạng mục trang trí tiệc. Sự thiếu hụt tài chính này khiến tôi khá lo lắng vì ở thời điểm đó, chúng tôi cũng phải trả tiền mua nhà.
- Chị đã xoay sở như thế nào để giải quyết khó khăn tài chính đó?
- Tôi phải cắt bỏ đi nhiều hạng mục hoặc tìm giải pháp thay thế phù hợp dù trong lòng rất tiếc. Tôi đã phải đấu tranh giữa việc “hy sinh” điều mình mong muốn hay tiếp tục thực hiện. Cuối cùng, tôi đã quyết định giữ lại những việc mình thực sự muốn làm như quay video phóng sự cưới. Video quay lễ đón dâu buổi sáng và được dựng ngay trong ngày để chiều tối chiếu trong tiệc cưới, và những người không dự buổi đón dâu được xem phóng sự đã cảm thấy rất gần gũi với gia đình, như là mình cũng đã có mặt. Tốn chi phí một chút nhưng tôi rất hài lòng.
Chúng tôi đã vay tín dụng của ngân hàng để trang trải cho khoản chi phí phát sinh. Tôi thấy nhiều cô dâu chú rể sợ làm điều này nhưng thực tế, nó không phải là vấn đề quá to tát. Vay ngân hàng để tổ chức đám cưới đơn giản hơn vay để kinh doanh nhiều. Bởi tổ chức đám cưới không phải là một dạng kinh doanh rủi ro lớn. Sau đám cưới, mình cũng có một khoản tiền mừng, lương và thu nhập từ công việc đang làm để bù vào.
Khi cô dâu chú rể phải vay tiền ngân hàng để tổ chức đám cưới thì họ cũng sẽ có trách nhiệm hơn với việc mình làm, biết cách tính toán và lập kế hoạch, chứ không ỉ lại bố mẹ. Không phải gia đình nào cũng có điều kiện lo cho con hoàn toàn. Ngoài ra, qua chuyện này, cô dâu chú rể cũng có cơ hội để hiểu rõ thêm một lần nữa về nhau. Bởi trong khó khăn, người ta sẽ bộc lộ tính cách thật nhất.
- Nói về việc tìm kiếm các dịch vụ cho đám cưới, chị đã bắt đầu như thế nào?
- Ngay từ đầu, tôi đã xác định tổ chức đám cưới không cầu kỳ. Tôi thuê đối tác chụp hình của công ty chụp ảnh cưới. Chúng tôi đi chơi cùng nhau và anh ấy giúp chúng tôi ghi lại những khoảnh khắc tự nhiên nhất. Từ người bạn này, chúng tôi tìm được wedding planner để họ tư vấn cho các công việc tiếp theo, cũng trong tinh thần thoải mái, thân thiện.
Khi lựa chọn bất kỳ dịch vụ nào, tôi đều đặt tiêu chí thoải mái lên hàng đầu. Tôi lựa chọn các đối tác có thể hiểu mình, có tính cách và quan điểm tương đồng với mình. Như vậy, công việc sẽ được giải quyết nhanh chóng. Có lẽ vì thế mà quá trình chuẩn bị đám cưới của tôi rất vui vẻ.
Thuê wedding planner thực ra không tốn kém như mọi người vẫn nghĩ. Họ sẽ đưa ra nhiều lựa chọn cho cô dâu chú rể và tư vấn cho mình lựa chọn cái nào phù hợp hơn cả. Các cô dâu chú rể hiện nay thường sử dụng lẻ các dịch vụ của wedding planner, như vậy, tưởng là được lợi hơn nhưng khi cộng vào lại mất nhiều chi phí và thời gian để thực hiện riêng từng công việc. Quan điểm của tôi là tổ chức đám cưới rất cần sự chia sẻ. Khi mình không thể tự làm tốt được việc gì đó thì hãy giao nó cho người thạo nhất. Ngoài ra, tôi còn may mắn khi có các nhân viên của mình hỗ trợ nhiệt tình trong quá trình chuẩn bị. Nhưng riêng váy cưới thì tôi tự đặt mua ở nước ngoài với mức giá khá tốt.
- Làm thế nào để chị mua được chiếc váy ưng ý với chi phí phải chăng?
- Tôi bắt đầu tìm kiếm chiếc váy cưới từ rất sớm, khoảng nửa năm trước ngày cưới. Tôi may mắn nhanh chóng tìm được chiếc váy ưng ý nhưng với các cô dâu khác, đó là thời gian đủ dài để có thể lựa chọn, thay đổi hoặc xử lý sự cố nếu có.
Khi lựa chọn váy cưới, tôi quan tâm đến kiểu dáng của váy. Tôi không quan niệm cô dâu phải lộng lẫy như một bà hoàng mà cần phải là chính mình. Chiếc váy cưới phù hợp không cần đính kết lộng lẫy nhưng nhìn vào nó, người ta nhận ra đó chính là bạn. Khi mặc váy cưới, mình cảm thấy tự tin thì tự khắc mình sẽ xinh đẹp, tỏa sáng.
- Chị có thêm lời khuyên gì cho các cô dâu khi tổ chức lễ cưới?
- Nên quyết định thời gian tổ chức cưới sớm để chọn được địa điểm đẹp, chọn được thời điểm phù hợp để chụp ảnh. Tuy nhiên, các cô dâu cũng cần học cách “quên” đám cưới đi trong một vài lúc để tập trung cho công việc hàng ngày. Tôi có 10 tháng để chuẩn bị cho đám cưới nhưng chỉ thực sự suy nghĩ về nó, dồn tâm cho nó vào khoảng 2 tuần trước ngày cưới. Cô dâu nên chia việc cho chú rể, cho các thành viên trong gia đình để giảm áp lực cũng như tăng sự gắn bó giữa mọi người.
Thêm một ý nữa không liên quan trực tiếp đến tổ chức đám cưới nhưng tôi thấy cần thiết với cô dâu, đó là nên xây dựng sự nghiệp trước khi kết hôn. Bởi chỉ khi còn độc thân, bạn mới “xả thân” với mọi ý tưởng, kế hoạch và theo đuổi nó đến cùng mà không bị những ràng buộc chi phối. Ngoài ra, kết hôn ở độ tuổi phù hợp cũng rất quan trọng (ngoài 25 tuổi). Lúc đó, mình đã va chạm tương đối để hiểu được bản thân muốn gì, yêu người như thế nào và có điều kiện để chăm lo cho tình yêu.
Video tiệc cưới tuyệt đẹp của cô dâu Chi Anh:
>> Xem thêm ảnh cưới lãng mạn của cô dâu Chi Anh được thực hiện tại Hội An
Song Giang thực hiện
Ảnh: NVCC