
Vợ chồng diễn viên Lục Nghị từng được bạn bè khen ngợi về cách quản lý tài chính khoa học, đã gia tăng tài sản nhờ đầu tư các quỹ, nhà đất, bảo hiểm... Ảnh minh họa: Weibo
Công ty dịch vụ tài chính của Mỹ Standard & Poor's (S&P) là đơn vị hàng đầu cung cấp các chỉ số và nguồn dữ liệu xếp hạng tín dụng độc lập, bên cạnh Moody's Investors Service và Fitch Ratings. Tổ chức này từng khảo sát 100.000 gia đình có tài sản tăng đều trên toàn thế giới, phân tích và tóm tắt các phương pháp quản lý chi tiêu gia đình của họ. Từ đó, công ty này đưa ra 4 gợi ý phân bổ tài chính gia đình, giúp các cặp vợ chồng trẻ duy trì sự ổn định tài sản và tăng tích lũy cho tương lai.
Chi tiêu hàng ngày: 10% tài sản

Biểu đồ phân bổ ngân sách gia đình của Standard & Poor's.
Biểu đồ của S&P chia tài sản hộ gia đình thành bốn quỹ. Theo đó, quỹ đầu tiên là chi tiêu hàng ngày, nên chiếm 10% tài sản của gia đình, đáp ứng đủ chi phí sinh hoạt từ 3-6 tháng. Số tiền này có thể được gửi vào thẻ ngân hàng để tiết kiệm, là nguồn ngân sách ngắn hạn của gia đình. Nó dùng để trả cho chi phí cuộc sống hàng ngày như mua thực phẩm, quần áo, làm đẹp...
Quỹ khẩn cấp: 20% tài sản
Nó được sử dụng để đáp ứng những khoản chi phí lớn đột xuất, cần được sử dụng đúng mục đích để đảm bảo có đủ tiền chăm lo các thành viên trong gia đình khi xảy ra tai nạn hoặc bệnh tật nghiêm trọng. Quỹ này chủ yếu dành cho bảo hiểm thương tật do tai nạn và bệnh hiểm nghèo.
Bạn có thể đầu tư khoản nhỏ cho bảo hiểm để thu về lợi nhuận lớn. Quỹ khẩn cấp không có nhiều tác dụng vào ngày bình thường, nhưng khi xảy ra biến cố, nó có thể bảo vệ bạn khỏi việc phải bán xe hoặc nhà, bán cổ phiếu giá rẻ hoặc vay tiền ở khắp mọi nơi, để lấy tiền gấp.
Quỹ đầu tư: 30% tài sản
Nguồn tiền trong quỹ đầu tư được sử dụng để tạo ra lợi nhuận cao cho gia đình, bao gồm mua cổ phiếu, quỹ tín dụng, bất động sản, vàng, vốn chủ sở hữu của công ty... Điểm mấu chốt của tài khoản này là tỷ lệ hợp lý, nghĩa là bạn phải có khả năng chi trả cả lãi và lỗ. Đồng thời, bất kể lãi hay lỗ, nó cũng không được là "đòn chí mạng" đối với gia đình.
Quỹ bảo toàn: 40% tài sản

Ảnh minh họa: Pinterest
Đây có thể là tiền tiết kiệm, trái phiếu, quỹ tín thác, sản phẩm bảo hiểm chuẩn bị cho lương hưu... Nó dùng để bảo vệ tài chính của các thành viên trong gia đình, giáo dục trẻ em, tiền để lại cho con cái... Tiền cho quỹ này phải chuẩn bị trước, dùng để bảo toàn và tăng giá trị vốn. Nó có nhiệm vụ đảm bảo không bị mất vốn và chống lại sự xói mòn của lạm phát. Do đó, lợi nhuận cho quỹ này có thể không cao nhưng ổn định về lâu dài.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho nguồn ngân sách này, bạn lưu ý không nên rút và sử dụng tùy ý, phục vụ nhu cầu như mua ô tô hoặc cải tạo nhà cửa. Đồng thời, hàng năm hoặc hàng tháng, bạn cần gửi một số tiền cố định vào tài khoản này để tích lũy thành nguồn tiền lớn, tránh lãng phí. Quỹ bảo toàn cần được pháp luật bảo vệ, tách biệt với tài sản của công ty và không được dùng để trả nợ. Nhiều người từng rất giàu có khi còn trẻ nhưng lại trắng tay và túng thiếu khi về già vì họ không có quỹ bảo toàn hỗ trợ lúc khốn khó.
Bốn nguồn ngân sách phân bổ trên như bốn chân của một chiếc bàn. Nếu thiếu bất kỳ bộ phận nào, bàn có nguy cơ đổ sập, vì vậy bạn phải chuẩn bị chúng kịp thời. Điểm mấu chốt của biểu đồ tài sản gia đình này là sự cân bằng. Khi thấy mình không có tiền để tiết kiệm hoặc nghỉ hưu, nghĩa là cách phân bổ tài sản của gia đình đang không cân bằng và thiếu khoa học.
Lúc này, bạn nên suy nghĩ thật kỹ: "Mình có đang tiêu quá nhiều tiền và chi nhanh hơn số tiền kiếm được không? Hay mình đã đầu tư quá nhiều tài sản vào thị trường chứng khoán hoặc bất động sản?". Khi đó, bạn cần thực hiện các điều chỉnh kịp thời.
>> Xem thêm Quiz: Con đường làm giàu tiềm năng của bạn là gì?
Hằng Trần (Theo Cpic)