Những chia sẻ về chế độ dinh dưỡng thai kỳ của Mira chan, cô gái Việt đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản, là một hot blogger nổi tiếng với những bài viết về ẩm thực, văn hóa, con người xứ sở hoa anh đào nhận được sự quan tâm đặc biệt. Bởi thông qua câu chuyện về sự khác biệt trong quan niệm cân nặng, thực phẩm, lối sống... của phụ nữ Việt - Nhật, Mira đem đến một cái nhìn mới và nhiều kiến thức hữu ích khi mang bầu.
Cân nặng tăng trung bình từ 8 kg đến 10 kg suốt thai kỳ
Không chỉ vì các bác sĩ luôn kiểm tra gát gao vấn đề cân nặng của thai phụ mỗi khi đi khám bầu mà chính bản thân phụ nữ Nhật cũng rất chú trọng chuyện này. Nguyên nhân không đơn giản chỉ là yếu tố thẩm mỹ, giữ dáng mà vì cân nặng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của cả mẹ và bé.
Mira chia sẻ: "Ở Nhật, phương pháp sinh chủ yếu và phổ biến nhất là sinh tự nhiên, không sinh mổ và không có gây tê màng cứng để sinh không đau nữa nên đúng nghĩa đau đẻ theo kiểu sinh con thời nguyên thủy. Vì người Nhật luôn quan niệm 'tự nhiên là phương pháp tốt nhất, còn sinh mổ hay có can thiệp của thuốc thì có thể ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của mẹ và bé sau này'.
Tất nhiên, ngoại trừ những trường hợp từ ban đầu, bác sĩ xác định là cần sinh mổ thì ca đó mới được mổ, còn nếu không có vấn đề gì thì cho dù đau đẻ 3 ngày cũng phải ráng nằm mà rặn cho ra... Do vậy, bên này, người ta không muốn bé có cân nặng quá nhiều thì sẽ khó để sinh tự nhiên. Phụ nữ Nhật Bản thường chú ý điều chỉnh cân nặng của mẹ và bé cho phù hợp, để bé vào khoảng 3 kg là vừa vặn đẹp nhất".
Mô hình dinh dưỡng cần thiết cho phụ nữ mang thai áp dụng ở Nhật Bản
Để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và bé, phụ nữ Nhật luôn chú ý đến công thức tính cân nặng lý tưởng dựa trên chỉ số BMI (Body Mass Index).
- Nếu chỉ số BMI dưới 18,5 (hơi gầy) thì bạn nên tăng từ 9 kg đến 12 kg trong khi mang thai.
- Nếu chỉ số BMI từ 18,5 đến dưới 25 (bình thường) thì bạn nên tăng từ 7 kg đến 12 kg.
- Nếu chì số BMI từ 25 trở lên (hơi béo) thì bạn nên tăng khoảng 5 kg.
Để đạt được mục tiêu này, Mira cho biết, các bác sĩ khuyên nên áp dụng chế độ dinh dưỡng theo mô hình tam giác ngược như sau:
- Trên đỉnh của sơ đồ là hình ly nước, có nghĩa là cần uống nhiều nước trong một ngày, trung bình 2-3 lít/ngày. Đối với phụ nữ mang thai, nước uống giúp ngăn ngừa táo bón.
- Dấu mốc xung quanh ly nước có hình người chạy bộ có nghĩa là vận động nhẹ nhàng và đều đặn hàng ngày. Thân hình của bà bầu thường sẽ nặng nề nên việc vận động phfu hợp không chỉ giúp cơ thể trở nên gọn gàng, linh hoạt mà còn giảm mỡ thừa, tăng cơ bắp, rất có ích cho sức khỏe và thể lực của phụ nữ trong lúc vượt cạn.
Ở Nhật, người ta thường ví việc sinh thường của phụ nữ mệt và cực như leo núi Phú Sĩ nên các bà mẹ phải chuẩn bị đủ sức khỏe, thể lực chứ không phải là càng mập, càng tích tụ nhiều mỡ càng tốt. Tuy nhiên, vận động phải đảm bảo không gây nguy hiểm cho mẹ và bé.
- Dấu móc chĩa ra ngay giữa hình tam giác ngược có nghĩa mẹ bầu có thể ăn vặt những món bánh kẹo để đỡ thèm, đỡ buồn miệng, thỏa mãn sở thích nhưng nhớ là cần hạn chế không ăn quá nhiều đồ ngọt và béo. Ví dụ, một tuần chỉ nên "thưởng" cho mình 1-2 lần vào ngày cuối tuần đi ăn kem, ăn chè.
Hoặc hãy chọn những món ăn vặt ngọt miệng nhưng tốt cho sức khỏe như rau câu làm từ bột Kanten chứa nhiều chất xơ, tốt cho sức khỏe hay các loại trái cây khô như mận khô (dried prunes) giàu calcium, chất sắt và chất xơ...
- Và phần quan trọng nhất của mô hình chính là hình tam giác ngược, mô tả chế độ dinh dưỡng mà các mẹ bầu cần có trong một ngày. Mẹ bầu cần có chế độ ăn uống cân bằng theo tỷ lệ đầy đủ, bao gồm các món từ tinh bột, rau củ, chất đạm, các món từ sữa và trái cây, không ăn món nào quá nhiều hay quá ít mà phải đủ liều lượng trong một ngày.
Đồng thời, thời điểm 3 tháng đầu của thai kỳ, tỷ lệ hấp thụ các chất dinh dưỡng hầu như bình thường nên không cần ăn quá nhiều so với trước khi có bầu. Ba tháng giữa thì ăn nhiều hơn một chút và cần ăn nhiều nhất là trong 3 tháng cuối thai kỳ và giai đoạn sau khi sinh cho bé bú.
Phụ nữ Nhật hầu như không uống sữa bầu
Theo lời kể của Mira, "nếu đi ra nhà thuốc, siêu thị hay ngay cả những cửa hàng bán đồ cho mẹ và bé ở Nhật, chắc chắn sẽ ngạc nhiên khi thấy có nhiều sữa công thức cho bé nhưng ngược lại sữa cho bà bầu thì chỉ đếm trên đầu ngón tay". Phụ nữ Nhật vẫn duy trì chế độ dinh dưỡng thai kỳ như bình thường và chỉ uống sữa tươi, hầu như không uống sữa bầu. Mira lý giải:
- Sữa bầu gọi là sữa nhưng không phải sữa mà chỉ là các loại vitamine, chất bổ cho thai phụ được hòa tan trong dạng chất lỏng. Vì thế, sữa bầu không ngon như sữa bò tươi mà khó uống. Ngoài sữa, ở Nhật còn có bánh quy cho bà bầu, cà phê cho bà bầu, kẹo ngậm cho bà bầu... nhưng tất cả chung quy lại cũng chỉ là một dạng vitamine tổng hợp dưới nhiều hình thức hấp thụ khác nhau.
Do vậy, thay vì uống sữa bầu để bổ sung dinh dưỡng thì nhiều phụ nữ Nhật Bản chọn vitamine dạng viên nén dễ uống và tiện lợi hơn. Hoặc họ sẽ bổ sung vitamine trực tiếp từ thực phẩm thiên nhiên.
- Mặc dầu sữa bầu là một dạng vitamine hòa tan nhưng thành phần có chất béo nên khi chọn một loại sữa bầu để uống, cần cân nhắc hàm lượng dinh dưỡng. Nếu sữa chứa chất béo cao hơn cả sữa bò tươi thì có thể khiến mẹ bầu bị tăng cân ngoài ý muốn.
Song Giang
Theo Mira chan's kitchen