Người đàn ông 29 tuổi gần như vô danh ở nước ngoài nhưng tại Trung Quốc, Li Jiaqi không khác gì một siêu sao đáng tin cậy. Li có lượng người theo dõi trực tuyến sánh ngang với ngôi sao nhạc pop Harry Styles, xuất hiện trong rất nhiều chương trình truyền hình và là đối tác của hàng loạt thương hiệu lớn. Ngay cả Never – chó cưng của Li - cũng có chương trình thực tế riêng.
Li được xem là người livestream bán hàng quốc dân ở Trung Quốc khi trở thành nguồn tư vấn tin cậy cho người tiêu dùng những gì nên và không nên mua online. Li tổ chức sáu buổi livestream mỗi tuần để giới thiệu đủ loại sản phẩm từ mỹ phẩm đến những chiếc nhẫn có giá lên tới hàng triệu USD với câu cửa miệng hối thúc người xem hãy "mua đi, mua đi".
Việc Li trở thành ngôi sao livestream hàng đầu ở xứ sở tỷ dân gần như là một sự tình cờ. Li xuất thân từ gia đình không mấy khá giả ở Hồ Nam. Cách đây 5 năm, anh vẫn chỉ là nhân viên tư vấn bán hàng cho thương hiệu mỹ phẩm L’Oréal. Cuối năm 2016, L’Oréal tổ chức các buổi tuyển chọn nhân viên để dẫn chương trình livestream chia sẻ về bí quyết làm đẹp. Li đăng ký và sau vài tháng được chọn, anh chuyển đến Thượng Hải bắt đầu vai trò mới.
Thời điểm đó, những kênh livestream như Taobao Live vẫn còn mới mẻ và đang tìm cách thu hút người xem. Li kiên trì livestream trên nền tảng trực tuyến và bắt đầu thu hút sự chú ý của người xem nhờ tài ăn nói linh hoạt và khả năng tư vấn sản phẩm nhạy bén. Thay vì thử màu son lên tay, Li mạnh dạn tô lên môi mình để người xem cùng cảm nhận. Không chỉ giới thiệu sản phẩm đơn thuần, Li nêu lên cảm nhận rõ ràng về từng loại son và thường thốt lên câu "Oh My God" khi gặp thỏi soi ưng ý. Nhiều người bắt đầu gọi anh là "ông hoàng son môi". Trong buổi livestream đầu tiên, Li đã thử 380 thỏi son suốt 6 tiếng đồng hồ. "Tôi cảm thấy môi mình như rách ra", Li kể.
Cùng sự phát triển như vũ bão của ngành công nghiệp livestream, Li trở thành gương mặt bán hàng được chú ý nhất. Đại dịch Covid-19 đưa ngành công nghiệp livestream bán hàng này sang kỷ nguyên mới, khi hàng trăm triệu người bị nhốt ở nhà bắt đầu lên Taobao Live xem trực tuyến và chốt đơn. Gần như chỉ sau một đêm, Li đã trở thành cái tên quen thuộc với hầu hết người mua hàng Trung Quốc.
Những ngày này, Li bận rộn livestream từ văn phòng của Mei One – một studio và công ty tìm kiếm tài năng mà anh đồng sở hữu ở Thượng Hải. Những món hàng được Li bán đều được đội ngũ của anh kiểm tra chất lượng một cách gắt gao, nhằm xây dựng lòng tin với người tiêu dùng. Mei One nói chỉ có 5% thương hiệu Trung Quốc muốn hợp tác bán hàng với Li có thể vượt qua quy trình kiểm duyệt chất lượng từ đội ngũ của Li. Nhân viên của Li phải theo dõi hàng nghìn cuộc trò chuyện trên WeChat để thu thập phản hồi từ người dùng và trả lời câu hỏi của họ. Nếu có sự cố, họ sẽ nhanh chóng giải quyết với khách hàng. Đó là một trong những lý do khiến Li trở thành ngôi sao livestream đáng tin cậy nhất và các sản phẩm của anh giới thiệu người tiêu dùng đều không ngần ngại chốt đơn ngay.
Giờ đây, để ủng hộ chiến dịch thúc đẩy sự tự tin văn hóa của Trung Quốc, Li trở thành một trong những ngôi sao livestream đi đầu trong việc quảng bá các thương hiệu nội địa. "Tôi hy vọng có thể cho người tiêu dùng thấy rằng sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc có chất lượng không thua kém bất cứ thương hiệu nước ngoài nào", Li nói.
Năm ngoái, Li tổ chức một số buổi livestream giới thiệu nông sản từ nhiều vùng nông thôn Trung Quốc, giúp thu về hơn 200 triệu nhân dân tệ (31 triệu USD). Ngoài ra, anh còn quảng bá sản phẩm của Vũ Hán để giúp kinh tế thành phố này phục hồi sau đại dịch. Nhờ Li, các công ty ở Trung Quốc dần vượt qua khó khăn suốt nhiều năm qua do chính người tiêu dùng cho rằng sản phẩm nội địa kém hơn đối thủ cạnh tranh quốc tế. Sự tâm huyết của Li được đền đáp xứng đáng khi anh được ngày càng nhiều người tin tưởng.
Li vẫn làm việc với các thương hiệu nước ngoài nhưng nỗ lực của anh chủ yếu để quảng bá sản phẩm nội địa. Năm 2021, Li giới thiệu hơn 400 sản phẩm Trung Quốc trong các buổi livestream bán hàng so với khoảng 200 sản phẩm của năm ngoái. Li là một trong những người đã làm thay đổi nhận thức người tiêu dùng Trung Quốc về hàng nội địa, bất chấp nhiều khó khăn chồng chất. "Anh ấy đã xây dựng lại niềm tin và sự nồng nhiệt giữa người tiêu dùng và thương hiệu - thứ tình cảm đã bị pha loãng bởi việc quảng cáo đầy tính khoa trương trước đây", "Toni Yang, một nhà tư vấn thương hiệu với kinh nghiệm hơn một thập kỷ tại Trung Quốc, cho biết.
Chen Chaoqun, một sinh viên tốt nghiệp 23 tuổi đến từ Thượng Hải, lần đầu tiên xem chương trình livestream của Li trong khi thành phố bị phong tỏa đầu năm 2020, nói: "Anh ấy đã giới thiệu chi tiết từng sản phẩm với một giọng đầy phấn khích. Đôi khi còn có thêm sự xuất hiện của chú chó cưng của anh ấy hoặc các khách mời ngôi sao. Tôi không có cảm giác như mình đang xem một buổi bán hàng trực tiếp mà là một chương trình thực tế hài hước, vui nhộn".
Những livestream của Li đã làm thay đổi thói quen chi tiêu của Chen. Trước đây, cô sinh viên này chưa bao giờ mua sản phẩm làm đẹp nội địa Trung Quốc vì mẹ cô luôn nói rằng các thương hiệu nước ngoài đáng tin cậy hơn. Bây giờ, cô chủ yếu mua các sản phẩm trong nước. "Tôi tin tưởng Li và đã mua một số sản phẩm nội địa do anh ấy giới thiệu. Tôi đã rất ngạc nhiên bởi chất lượng, bao bì và cả thiết kế của chúng. Đặc biệt giá chúng chỉ bằng một phần ba so với thương hiệu quốc tế mà tôi từng sử dụng".
Zhao Yiru, một nhân viên kế toán 29 tuổi, theo dõi livestream của Li từ năm 2018. Hiện cô chi 2.000 nhân dân tệ (312 USD) mỗi tháng cho các mặt hàng được Li giới thiệu, từ khăn ăn đến đồ trang sức bằng vàng vì tin rằng mình ít có khả năng bị lừa hơn khi mua online. "Li không chỉ giúp tôi tiết kiệm thời gian mà còn cả tiền bạc vì đội ngũ của anh ấy đã kiểm tra chất lượng và mặc cả giúp khách hàng. Anh ấy cũng liên tục nhắc nhở chúng tôi mua sắm hợp lý và chỉ mua những thứ chúng tôi cần".
"Chất lượng là ưu tiên hàng đầu. Ngay cả khi tôi đã giới thiệu một sản phẩm tới người tiêu dùng nhưng thương hiệu đó bị phản ánh chất lượng không tốt thì chúng tôi sẵn sàng thu hồi và không để sản phẩm đó tồn tại trên livestream nữa", Li chia sẻ bí quyết bán hàng.
Hôm 20/10, Li lập kỷ lục doanh thu khi chốt được hàng triệu đơn, có tổng giá trị 12 tỷ nhân dân tệ (khoảng 1,9 tỷ USD) hàng hóa chỉ trong 12 giờ livestream. Sự tin tưởng và yêu mến của người tiêu dùng với Li giúp các sản phẩm anh giới thiệu "bán đắt như tôm tươi". Theo nhà tư vấn chiến lược Tony Yang, "Li kết nối người tiêu dùng và thương hiệu, cho phép cả hai bên hiểu được nhu cầu và thiếu khuyết của nhau".
Nhờ thành công trong lĩnh vực livestream, Li sở hữu khối tài sản lên đến hàng triệu USD. Tuy nhiên, chiến lược gia Tony Yang cũng cảnh báo ông hoàng livestream Li Jiaqi vẫn có thể bị truất ngôi. "Giá trị của Li dựa vào độ nổi tiếng của bản thân, nếu tâm trạng của công chúng quay lưng lại với anh ấy, hào quang có thể vụt mất và nhanh chóng bị thay thế bởi một lực lượng streamer hùng hậu khác".
Sơn Nam (Theo Sixth Tone)