Tại sao cảm lạnh gây khó chịu?
Hiệp hội Phổi Mỹ cho biết cảm lạnh là những bệnh nhiễm trùng nhẹ ở mũi và họng có thể do hơn 200 loại virus gây ra. Thông thường tình trạng này kéo dài trong một tuần, nhưng một số loại cảm lạnh cũng có thể lâu hơn. Ở Mỹ, người lớn trung bình bị cảm lạnh từ hai đến bốn lần mỗi năm, chủ yếu từ tháng 9 đến tháng 5. Trong khi đó trẻ nhỏ thường bị cảm lạnh khoảng 6 - 8 lần mỗi năm.
"Nghẹt mũi có thể gây khó thở, dẫn đến đau đầu và mất ngủ. Viêm đường hô hấp có thể gây đau họng, ho và đau nhức cơ, làm tăng sự khó chịu của bạn", bác sĩ Nội khoa Hemalata Arora cho biết.
Bên cạnh đó, tình trạng mệt mỏi cũng thường gặp, vì cơ thể bạn phải chuyển hướng sử dụng năng lượng để chống lại nhiễm trùng. Chảy dịch mũi sau, khi chất nhầy tích tụ ở phía sau cổ họng, có thể gây kích ứng và ho nhiều hơn, khiến bạn khó nghỉ ngơi hoặc thư giãn đúng cách.
Ngủ thế nào khi bị ho, tắc mũi do cảm lạnh?
Bạn có thể làm theo các bước sau để có được giấc ngủ thoải mái vào ban đêm:
Kê cao đầu
Gối cao đầu giúp giảm nghẹt mũi bằng cách khiến chất nhầy trôi dễ dàng hơn, giảm áp lực lên xoang. Tuy nhiên, hãy đảm bảo không sử dụng quá nhiều gối để tránh ảnh hưởng đến cổ. Chỉ cần khoảng hai chiếc gối là đủ.
Ngủ nghiêng
Ngủ nghiêng cũng có thể giúp giảm nghẹt mũi và thở dễ dàng hơn so với nằm ngửa. Nằm ngửa dễ khiến tình trạng chảy nước mũi và ho trầm trọng hơn.
Sử dụng máy tạo độ ẩm
Sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng giúp giữ ẩm không khí, làm dịu đường thở bị kích thích và ngăn ngừa cổ họng, đường mũi của bạn bị khô. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến nghị sử dụng máy tạo độ ẩm sạch hoặc thậm chí là máy phun sương mát để điều trị viêm phế quản. Cách này có thể làm loãng chất nhầy và giúp bạn dễ thở.
Giữ phòng mát mẻ nhưng không lạnh
Nhiệt độ phòng thoải mái sẽ giúp bạn thư giãn và ngủ ngon hơn. Một nghiên cứu do Viện Y tế Quốc gia Mỹ công bố chỉ ra những bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) và nhiễm trùng có tình trạng sức khỏe tốt hơn khi ở trong nhà có nhiệt độ từ 21°C trở lên trong nhiều giờ.
Rửa mũi bằng nước muối
Sử dụng nước muối rửa mũi hoặc rửa xoang sẽ làm sạch chất nhầy, giúp bạn thở bình thường. Nước muối rửa mũi nên chứa muối và đảm bảo sử dụng nước cất hoặc nước đun sôi. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ khuyến cáo bạn nên nghiêng đầu sao cho cằm và mũi thẳng hàng trước khi sử dụng nước muối rửa mũi. Sau đó, hãy đặt đầu bình rửa vào bên lỗ mũi cao hơn. Nghiêng đầu theo hướng ngược lại và lặp lại quy trình.
Súc miệng bằng nước muối
Súc miệng bằng nước muối cũng có thể giúp bạn ngủ ngon khi bị cảm lạnh. Điều này sẽ giảm đau họng và ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng trở nên trầm trọng hơn.
Uống thứ gì đó ấm trước khi đi ngủ
Thức uống ấm trước khi đi ngủ cũng có thể hỗ trợ giảm cảm lạnh bằng cách giảm đau họng và hơi nước làm loãng chất nhầy. Thêm mật ong vào nước ấm có vắt chanh hoặc húp chút súp nóng có thể giúp bạn giảm cảm lạnh. Tuy nhiên, hãy đảm bảo uống chúng ít nhất một hoặc hai giờ trước khi đi ngủ.
Thuốc xịt mũi
Sử dụng thuốc xịt mũi có thể giúp bạn ngủ ngon hơn vì nó làm giảm các mô sưng trong mũi và giảm chất nhầy. Thuốc này cũng có dạng viên, dạng nhỏ giọt và có thể hữu ích. Tuy nhiên, không nên sử dụng trong thời gian dài.
Có thể làm gì khác để cảm thấy khỏe hơn?
Ngoài việc kiểm soát các triệu chứng bằng chế độ ăn uống và giấc ngủ còn có những cách khác để cảm thấy khỏe hơn. Duy trì đủ nước là điều cần thiết vì chất lỏng giúp làm loãng chất nhầy và làm ẩm cổ họng. Các loại thuốc không kê đơn như thuốc thông mũi và thuốc xịt mũi có thể giảm tạm thời tình trạng nghẹt mũi, đau họng. Nghỉ ngơi nhiều nhất có thể giúp cơ thể bạn tập trung chống lại nhiễm trùng. Tắm nước ấm trước khi đi ngủ cũng làm thông mũi, thư giãn cơ và chuẩn bị cho cơ thể nghỉ ngơi.
>> 6 thực phẩm giúp tăng miễn dịch, ngừa bệnh tật
Hướng Dương (Theo Healthshots)