Đọc sách có tác dụng phát triển trí thông minh của trẻ nhưng trẻ nhỏ thường hiếu động, hay bị hấp dẫn bởi những yếu tố xung quanh, không chịu ngồi yên và tập trung đọc sách nên mỗi bố mẹ lại phải có "chiêu" riêng để giúp con hình thành thói quen đọc sách. Chị Lương Hoàng Anh, một doanh nhân và là mẹ của ba con nhỏ chia sẻ rằng, việc "cho con đọc sách" không chỉ đơn giản là đưa con vào nhà sách hay mua sách về cho con đọc mà phải đọc đúng cách thì mới đem lại hiệu quả như mong muốn.
Theo kinh nghiệm của mình, mỗi ngày chị Hoàng Anh sẽ cho con đọc sách theo chủ đề nhất định nhưng riêng chủ đề về sức khỏe, cơ thể người và sự phát triển y học thì chị thuê người dạy riêng đến đọc sách với con, nhằm đảm bảo con nhận được những kiến thức khoa học chính xác nhất. Bà mẹ ba con còn đưa ra "quy trình" đọc sách cùng con rất tâm lý để con không cảm thấy việc này nặng nề hay bị áp lực nhiều.
Chị Hoàng Anh chia sẻ trên trang cá nhân: "Đến nhà sách, việc đầu tiên là gọi món bánh con thích ăn cho no và gọi thức uống mà con, mẹ và thầy chọn để vừa đọc vừa uống cho thoải mái. Mỗi người đi chọn một quyển sách mình thích trong chủ đề hôm đó để tự đọc trong 30 phút. Sau đó là bàn luận với nhau, đố nhau về quyển sách mỗi người đọc. Trong khi thảo luận, con hiểu sai hoặc chưa hiểu vấn đề ở đâu thì mẹ hoặc thầy phải giải thích đến đó. Vì vậy, thời gian đưa con đi đọc sách cũng là cơ hội cho mẹ trau dồi kiến thức rất bổ ích". Nhờ vậy mà con trai của chị Hoàng Anh có kiến thức phổ thông và khả năng tư duy sáng tạo rất tốt so với lứa tuổi.
Bên cạnh cách đọc, bố mẹ cũng cần lưu ý tới thời điểm bắt đầu tạo thói quen đọc sách cho con và loại sách phù hợp với từng giai đoạn phát triển của con để đạt được hiệu quả tốt. Nói về vấn đề này, MC Minh Trang cho biết, cô đã đọc truyện cho con nghe từ khi bé còn ở trong bụng mẹ và đây là công việc mà hai mẹ con thích làm mỗi ngày. Bé Daisy 3 tuổi, con gái của Minh Trang, bây giờ đã có thể tự lấy những quyển sách yêu thích và ngồi xem "ngon lành".
Nữ MC truyền hình rất tỉ mỉ và chu đáo khi truyền cảm hứng đọc sách cho con. Cô bảo: "Mình nghĩ một người thích đọc sách sẽ không bao giờ là một người xấu, sống hời hợt, thiếu tình cảm. Trẻ con khi được tiếp xúc với sách, được đọc sách, sống trong thế giới của những cuốn sách sẽ là những đứa trẻ giàu trí tưởng tượng, vốn từ vựng, hiểu biết, vốn sống phong phú, cảm nhận đa dạng về mọi vật, cảm xúc, thế giới quan xung quanh mình.
Để con thích và ham mê với những cuốn sách, chắc chắn chẳng có chỗ nào phù hợp hơn là những chỗ có thật nhiều sách. Đó là thư viện, hiệu sách, cửa hàng sách online, bạn bè, người thân, những người quen của bạn có sách. Chính những chỗ này sẽ khơi gợi trí tò mò, niềm yêu thích và cảm giác thân thuộc với sách cho các bạn bé.
Ngoài ra, ở nhà cũng nên có một góc riêng, nếu có điều kiện thì là một cái tủ sách, không thì một góc nho nhỏ ở chỗ vừa tầm với của con, hay đơn giản là một cái thùng carton không cần quá lớn. Nếu nhà có nhiều sách, con có lỡ để sách bừa bộn, thì cũng đừng vội dọn giúp con, hãy cứ bừa bãi một chút vì 'chơi' với sách cũng quan trọng không kém việc 'đọc' sách".
Bé có thể không hào hứng ngay với việc đọc sách, bố mẹ không nên sốt ruột mà cần tôn trọng những cảm xúc của con. Tạo thói quen là cả một quá trình cần làm từ từ, từng chút một và đều đặn mỗi ngày. Theo gợi ý của Minh Trang, những khi rảnh rỗi, bố mẹ có thể đưa con đến thư viện để con quan sát mọi người, từ đó kích thích trí tò mò và mong muốn đọc sách của con. Hoặc bố mẹ hãy đưa con đến cửa hàng sách, để con được tự lựa chọn những cuốn sách theo sở thích (tất nhiên là có khoanh vùng sách phù hợp độ tuổi của con). "Cảm giác sở hữu, cảm giác là 'của mình' rất quan trọng với trẻ con, điều đó sẽ khiến con cảm thấy gần gũi và thân thiết hơn với cuốn sách đó", Minh Trang cho biết.
Song Giang