Tuổi sinh học là thuật ngữ mô tả sự ảnh hưởng của quá trình lão hóa tới cơ thể con người. Muốn trẻ hóa, cần kiểm soát tuổi sinh học thấp hơn tuổi thật.
Theo Woman, cuộc sống hiện đại khiến con người dễ căng thẳng, ăn uống kém khoa học, lười vận động, có thể làm hao hụt khối lượng cơ bắp, khiến tuổi sinh học già hơn tuổi thật. Để kiểm tra tuổi sinh học đang ở mức nào, bạn có thể áp dụng bài tập do huấn luyện viên yoga Lâm Thiên Dư (cựu sao TVB) chia sẻ trên Xiaohongshu.
Bắt đầu ở tư thế đứng thẳng trên mặt sàn. Hít sâu, đưa hai tay gập trước ngực, nâng một bên chân lên vuông góc với mặt sàn, nhắm mắt và hít thở đều. Thời gian bạn duy trì tư thế này sẽ phần nào cho biết độ tuổi sinh học.
5 giây: tương ứng độ tuổi 65
10 giây: 55 tuổi
15 giây: 45 tuổi
20 giây: 35 tuổi
25 giây: 30 tuổi
Trên 30 giây: dưới 30 tuổi
Lâm Thiên Dư cho biết cô có thể giữ tư thế này hơn một phút, nhờ khả năng thăng bằng, sự dẻo dai có được sau nhiều năm tập yoga. Tuy nhiên, chồng cô đã hạ chân xuống sau chưa đầy 5 giây. "Sự cân bằng, sức mạnh cơ bắp và tuổi tác cơ thể thực sự có liên quan chặt chẽ với nhau, nhưng tôi phát hiện ra một khuyết điểm nhỏ, những người có bàn chân bẹt khó làm được điều đó", cô nói.
Vì thế, cô gợi ý cách khác để tính tuổi sinh học thông qua chỉ số BMI. Công thức tính BMI = cân nặng (kg) / chiều cao² (m).
BMI dưới 18,5 (hơi nhẹ cân): hãy cộng một tuổi vào tuổi thật.
BMI trong khoảng 18,5 - 25: trừ một tuổi so với tuổi thật. Đây là mức BMI lý tưởng, nên thể chất có xu hướng trẻ hơn so với tuổi thật.
BMI trong khoảng 25 - 30 (thừa cân): cộng hai tuổi so với tuổi thật.
BMI trên 30 (béo phì): cộng ba tuổi vào tuổi thật. Đây là mức BMI tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe, nhất là các bệnh liên quan đến tim mạch, huyết áp... do có tỷ lệ mỡ cao. Nên thay đổi lối sinh hoạt sớm để cải thiện sức khỏe, cân nặng cũng như vóc dáng.
Duk Sun