Lượng đường hoặc glucose trong máu được gọi là đường huyết. Nếu chỉ số đường huyết của bạn cao hơn 126 mg/dl (7 mmol/l) trước khi ăn hoặc hơn 200 mg/dl sau ăn hai tiếng được gọi là lượng đường trong máu cao hoặc tăng đường huyết.
Nếu không được điều trị tức thì hoặc đúng cách, lượng đường trong máu cao có thể gây tích tụ glucose, làm tăng nguy cơ tiểu đường, đột quỵ và bệnh tim mạch.
Bạn sẽ nhận ra mình đang bị tăng đường huyết với các triệu chứng như đi tiểu thường xuyên, mệt mỏi, tăng cảm giác đói/khát, nhức đầu, khó tập trung, mờ mắt. Phạm vi của lượng đường trong máu cao khác nhau đối với mỗi người, phụ thuộc vào độ tuổi, thời gian mắc bệnh tiểu đường và các vấn đề sức khỏe khác có xuất hiện hay không. Do đó, việc giữ lượng đường huyết trong phạm vi hợp lý rất quan trọng.
Dưới đây là một số cách đơn giản để giảm lượng đường trong máu của bạn. Tuy nhiên, trước tiên hãy đảm bảo bạn đã dùng insulin (loại hormone từ các tế bào đảo tụy ở tuyến tụy tiết ra, có tác dụng chuyển hóa các chất carbohydrate trong cơ thể) hoặc các loại thuốc trị tiểu đường khác. Nếu bạn bỏ lỡ một liều, lượng đường trong máu của bạn có thể giảm đột ngột.
1. Uống nhiều nước
Để ý đến lượng nước trong cơ thể là điều đầu tiên và quan trọng nhất cần làm khi bạn đột nhiên bị tăng đường huyết. Khi đường huyết cao, đường trong máu sẽ bị cô đặc hơn nếu thiếu nước. Do cơ thể sẽ giải phóng năng lượng dư thừa qua nước tiểu, thay vì uống nước ép hay đồ uống có ga, hãy uống thật nhiều nước để pha loãng lượng đường trong máu.
2. Đi bộ hoặc chạy bộ tại chỗ
Nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào của hiện tượng tăng đường huyết, một bài tập đơn giản được khuyến khích là đi bộ ngắn hoặc chạy bộ nhẹ tại chỗ. Bất kỳ bài tập aerobic nào cũng giúp bạn cân bằng lượng đường trong máu. Ví dụ, đi bộ trong 20 phút có thể làm giảm đường huyết.
3. Ăn các thực phẩm giàu chất xơ
Một số loại thực phẩm có thể giúp điều chỉnh lượng đường trong máu suốt cả ngày. Ví dụ, thực phẩm giàu chất xơ mất nhiều thời gian hơn để phân hủy, giúp duy trì lượng đường trong máu đồng đều. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng các loại thực phẩm giàu chất xơ như rau bina, ngũ cốc (bột yến mạch, lúa mạch...) và bơ thậm chí có thể giúp giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2.
4. Giảm các loại tinh bột tinh chế
Một trong những nguyên nhân chính gây ra lượng đường trong máu cao là ăn quá nhiều tinh bột (carb) tinh chế. Những carb này đã được xử lý và loại bỏ nhiều chất xơ. Cơ thể bạn sẽ nhanh chóng xử lý và hấp thụ các loại carb này, biến chúng thành đường. Để ngăn ngừa lượng đường trong máu tăng đột biến, bạn nên tránh ăn bánh mì, mì ống, gạo và các thực phẩm giàu carb khác. Thay vào đó, hãy ăn các loại rau ít carb, chất béo lành mạnh và protein nạc.
5. Tăng mức điện giải
Nếu lượng đường trong máu của bạn tăng đột ngột, bạn sẽ đi tiểu nhiều hơn bình thường. Điều này có nghĩa là bạn đang mất nước và mức độ chất điện giải của bạn, bao gồm magiê, kali và phốt phát (phosphate), sẽ cực kỳ thấp.
Chất điện giải cần thiết để duy trì đầy đủ các chức năng của cơ thể, vì vậy việc bổ sung nhanh chóng là điều cần thiết. Chuối, khoai lang và các loại hạt có thể giúp bạn giữ cân bằng độ điện giải trong cơ thể.
6. Thư giãn bằng cách thiền
Căng thẳng là một lý do khác khiến lượng đường trong máu của bạn tăng đột ngột. Do đó, thiền hoặc yoga sẽ khiến lượng đường trong máu giảm đáng kể. Hít thở trong buổi tập yoga giúp giảm lo âu, giải tỏa tâm trí và thư giãn cơ thể hiệu quả.
7. Tiêm insulin tác dụng nhanh
Insulin tác dụng nhanh được dùng để kiểm soát lượng đường trong máu tăng đột biến có thể xảy ra một cách tự nhiên sau khi ăn. Loại insulin này được hấp thụ nhanh chóng và bắt đầu hoạt động trong vòng 15 phút sau khi tiêm. Thông thường, insulin tác dụng nhanh trong bữa ăn được kê cho những người mắc bệnh tiểu đường loại 1 hoặc loại 2.
Mẹo tránh tăng đường huyết
- Tránh ngồi hoặc nằm ngay sau bữa ăn, vì thói quen thụ động này làm tăng lượng đường trong máu.
- Không bỏ bữa sáng - bữa ăn đầu tiên và quan trọng nhất trong ngày, vì nó có khả năng ảnh hưởng đến lượng đường trong máu.
- Thiết lập chế độ ngủ chất lượng tốt là rất quan trọng để tránh bất kỳ sự mất cân bằng nào về đường huyết.
- Tập thể dục thường xuyên sẽ điều chỉnh lượng đường trong máu, đốt cháy lượng dư thừa ngay lập tức.
- Ăn các bữa ăn lành mạnh và đồ ăn nhẹ bổ dưỡng giúp ngăn ngừa lượng đường tăng đột biến.
- Ăn các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp như rau lá xanh, cà rốt sống, đậu xanh và đậu lăng.
- Theo dõi khẩu phần của bạn để đảm bảo bạn không ăn quá nhiều và ảnh hưởng đến chức năng insulin.
Kết luận
Phòng ngừa là chìa khóa để giữ lượng đường trong máu ở mức bình thường. Tuy nhiên, nếu nắm được cách hạ thấp đường huyết cao trong trường hợp khẩn cấp sẽ giúp bạn ngăn ngừa các biến chứng. Hãy tham khảo ý kiến chuyên gia chăm sóc sức khỏe trước khi dùng bất kỳ loại insulin tác dụng nhanh nào.
Ngoài ra, tuân thủ chế độ ăn uống cân bằng, kiểm soát hoạt động thể chất và có một giấc ngủ chất lượng là những yếu tố chính giúp giảm lượng đường trong máu một cách tự nhiên cũng như giữ nó ổn định.
Hướng Dương (Theo Healthify Me)