Ngày cưới sẽ là khoảnh khắc hạnh phúc của uyên ương. Tuy nhiên, quá trình lên kế hoạch cho nó có thể sẽ khiến bạn phải cực kỳ vất vả bởi những điều sau đây.
1. Bạn sẽ gặp căng thẳng
Ban đầu, mọi thứ diễn ra thật suôn sẻ và thú vị. Nhưng rồi sẽ đến lúc bạn cảm thấy sợ hãi khi phải lên kế hoạch, đưa ra quyết định và cạn kiệt năng lượng. "Núi việc" chồng chất và cảm giác bị choáng ngợp sẽ thay thế niềm hứng khởi lúc đầu.
Giải pháp:
- Việc bạn cần làm là tạo ra các mục tiêu sát với thực tế và dễ quản lý, chẳng hạn như cập nhật mọi việc theo từng tháng, từng tuần. Bạn có thể dùng đến sự trợ giúp của ghi chú điện tử trên điện thoại, máy tính hoặc đơn giản hơn là sổ tay...
- Dành ra ít nhất một ngày mỗi tuần để thực hiện danh sách các việc cần làm cho đám cưới. Hãy tách riêng thời gian chuẩn bị cho đám cưới với các hoạt động khác mà bạn vẫn thường làm bên gia đình, người thân. Việc tách biệt các hoạt động này sẽ giúp bạn giữ vững được tinh thần và giảm bớt lo âu.
2. Bạn sẽ phải thỏa hiệp
Phu quân tương lai và bạn sẽ có thể có những ý tưởng khác nhau cho đám cưới, khó tránh khỏi sự tranh luận. Vì lẽ đó, một số trường hợp bạn sẽ cần thảo luận kỹ với chồng và đưa ra sự thoả hiệp.
Giải pháp:
- Gạch đầu dòng những mong muốn của bạn và sẵn sàng thoả hiệp nếu cần. Điều quan trọng là cả hai bạn cần tạo cho đối phương cảm giác được lắng nghe, bởi lẽ ngày kết hôn không chỉ là ngày của mình bạn mà là thời điểm đánh dấu cả hai đã hoà vào làm một.
- Xác định mức ngân sách dành cho đám cưới mà cả hai cảm thấy thoải mái và đồng ý chi. Nên nhớ rằng mỗi một đồng chi phí bỏ ra trong đám cưới thực sự đắt hơn nhiều so với những gì bạn tưởng tượng.
3. Bạn không thể có tất cả
Khi lên kế hoạch đám cưới, bạn sẽ phải chấp nhận sự thực là không thể có tất cả mọi thứ vì những yếu tố như tài chính, địa điểm tiệc cưới đã kín chỗ...
Giải pháp:
Sử dụng nguyên tắc mang tên "Ba điều quan trọng nhất": Chọn ra ba điều quan trọng nhất đối với cả hai bạn như thức ăn, nơi tổ chức tiệc cưới hoặc phong cách trang trí. Phân bổ ngân sách cho những thứ này trước tiên, sẵn sàng cắt giảm chi phí cho những mục khác. Bạn sẽ tránh được cảm giác không bằng lòng khi mọi thứ không tuân theo ý muốn.
4. Bạn buộc phải 'chiến đấu'
Ngay cả khi bạn chưa bao giờ tranh luận hoặc không giỏi tranh luận, một số tình huống gây tranh cãi cũng có thể xảy ra và khiến mọi thứ lên cao trào, gây căng thẳng. Bạn sẽ phải đưa ra các ý kiến trái chiều với gia đình, bạn bè, phù dâu về các ý tưởng cho tiệc cưới và sau đó gặp khó khăn khi phải nhìn mặt họ.
Giải pháp:
Tiếp cận các cuộc thảo luận với mong muốn rằng thông qua chúng, bạn sẽ được lắng nghe những lời khuyên tốt nhất từ mọi người. Đừng cho rằng đây là lúc để phòng thủ hoặc giữ khư khư quan điểm cá nhân. Hãy nhìn nhận đây là cơ hội để họ nói lên kỳ vọng và chắc chắn rằng tất cả mọi người được lắng nghe. Sau đó chuẩn bị cho sự thoả hiệp nếu điều họ nói là có lý (giống như điều số 2).
5. Bạn cần đến sự trợ giúp
Nhiều cô dâu từng nói rằng: "Tôi sẽ làm được tất cả mọi thứ cho đám cưới của mình", "Tôi đã có kế hoạch chi tiết và có thể tự xử lý mọi thứ"... Dẫu vậy, đám cưới là một sự kiện trọng đại, diễn ra chỉ có một lần, do đó bạn sẽ cần đến sự giúp đỡ của nhiều người. Danh sách việc phải làm cho hôn lễ rất dài và thời gian để chuẩn bị sẽ rút ngắn lại khi bạn biết tận dụng sự trợ giúp của người thân, bạn bè.
Giải pháp:
San sẻ công việc cho đúng người và cân nhắc kỹ lưỡng với chồng về điều này. Nhiều người sẽ sẵn sàng giúp bạn một tay cho hôn lễ giữa bạn và chồng tương lai.
Hằng Trần