![]() |
Mua đổi ngoại tệ tại một quầy giao dịch. |
Với số vốn ít ỏi, bạn vẫn có thể kinh doanh tiền tệ số lượng lớn và có lãi. Đó chính là ưu thế của dịch vụ Quyền lựa chọn tiền tệ (currency option - CO) mà năm ngân hàng Kỹ Thương, ACB, Đầu tư & Phát triển, Vietcombank, Quốc Tế gần đây mới đưa ra phục vụ người tiêu dùng.
Gọi là mua tiền, nhưng thực tế mọi việc diễn ra trên hợp đồng, trong tài khoản, người mua không nhìn thấy tiền thực, nhưng nếu có lãi, anh ta nhận được tiền lời thực. Việc trước tiên khi sử dụng dịch vụ CO là bạn đến ngân hàng, chẳng hạn ACB, mở một tài khoản; ký hai hợp đồng, một hợp đồng nguyên tắc (hai bên thoả thuận mua bán tiền, thanh lý hợp đồng, xử lý tranh chấp nếu có) và một hợp đồng con (khách hàng chọn đồng tiền, tỷ giá và thời hạn giao dịch). Hợp đồng nguyên tắc ký một lần, những lần giao dịch sau bạn chỉ cần ký hợp đồng con.
Giả sử bạn ký hợp đồng mua 100.000 USD với tỷ giá 15.850 đồng/USD và bán lại sau một tháng với giá 15.950 đồng/USD. Ngân hàng sẽ báo phí, bạn phải trả khoản phí đó. Từ lúc ấy bạn có 100.000 USD trong tài khoản. Một tháng sau nếu giá USD bằng hoặc vượt mức 15.950 đồng/USD, ngân hàng sẽ bán số đôla của bạn và chuyển tiền lời vào tài khoản cho bạn. Khoản lời đó là thật và bạn có thể rút ra bất cứ lúc nào. Trong trường hợp giá USD xuống thấp hơn 15.950 đồng/USD, bạn bị lỗ, bạn có thể huỷ hợp đồng và chịu mất khoản phí đã nộp.
Khách hàng có thể chọn bất cứ ngoại tệ nào, nhưng thường người ta chọn ngoại tệ mạnh và phổ biến như euro, đôla Mỹ, đôla Canada, đôla Hong Kong, yen Nhật, bảng Anh, franc Thuỵ Sĩ… Nếu khách hàng chọn cặp tiền giao dịch là một trong những ngoại tệ mạnh với VNĐ, thì phí sẽ tính bằng tiền đồng. Nếu cặp tiền được chọn đều là ngoại tệ, chẳng hạn yen - euro, thì phí có thể tính bằng đồng yen hoặc euro, nhưng bạn có thể trả bằng tiền đồng theo tỷ giá quy đổi tại thời điểm trả.
Năm ngân hàng nói trên được phép thực hiện CO giữa USD và tiền đồng. Nếu thực hiện CO giữa các ngoại tệ với nhau, thì bất kỳ ngân hàng được phép kinh doanh ngoại hối nào cũng được làm. Quan trọng ở đây là bạn chọn ngân hàng có dịch vụ CO tốt và mức phí cạnh tranh. Có ngân hàng xây dựng một bảng phí riêng của mình, nhưng một số ngân hàng thì báo phí dựa vào mức phí của ngân hàng nước ngoài. Có nghĩa là khi khách hàng muốn mua, thí dụ, 100.000 franc Thuỵ Sĩ, thời hạn 10 ngày, ngân hàng sẽ liên lạc với ngân hàng đại lý ở nước ngoài để hỏi phí, sau đó cộng thêm một mức phí của mình và báo cho khách hàng. Sở dĩ như vậy là do các ngân hàng trong nước đều tái bảo hiểm các hợp đồng CO với ngân hàng nước ngoài nhằm tránh rủi ro.
Phí cao hay thấp phụ thuộc vào đồng tiền, kỳ hạn và kiểu giao dịch bạn lựa chọn. Thời hạn giao dịch tối thiểu 3 ngày, tối đa 365 ngày. Các đồng tiền có biến động càng nhiều (cơ hội lãi càng nhiều) thì phí càng cao. Hiện nay ít khách hàng chọn CO USD/VNĐ vì tỷ giá ổn định. Họ thường chọn CO EUR/USD, yen/USD, bảng/USD… do tỷ giá các đồng tiền này có thể biến động 200-300 điểm/ngày. Có hai kiểu giao dịch CO: kiểu Mỹ và châu Âu. Với CO kiểu Mỹ, khách hàng có thể mua, bán số ngoại tệ đã ký theo hợp đồng bất cứ lúc nào trong kỳ hạn đã xác định. Còn CO kiểu châu Âu chỉ cho phép bạn mua, bán đúng kỳ hạn đó. Nếu trong hợp đồng, bạn thoả thuận mua, bán 1 triệu euro, kỳ hạn 1 tuần, thì kiểu CO Mỹ cho phép bạn mua bán bất kỳ thời điểm nào trong thời gian một tuần đó khi tỷ giá có lợi cho bạn. Còn với CO kiểu châu Âu bạn chỉ có thể mua, bán sau đúng 1 tuần. Phí giao dịch kiểu Mỹ cao hơn kiểu châu Âu khoảng 10%. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số ngân hàng cho phép khách hàng chuyển từ kiểu giao dịch châu Âu qua kiểu Mỹ, tất nhiên có tính thêm phí.
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)